top of page
Minh Huyền

Xe công nghệ thay đổi thói quen người Việt

Đã cập nhật: 4 thg 4, 2024

Sự xuất hiện của ứng dụng đặt xe công nghệ đã tạo ra lớp người dùng mới tại Việt Nam. Các ứng dụng này đang dần chuyển mình, tích hợp nhiều dịch vụ khác nhau để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. 


Người dân đã quen với xe công nghệ (Ảnh: Minh Huyền)

Khoảng 10 năm trước đây, khi có nhu cầu gọi xe, người dân chỉ có thể sử dụng dịch vụ qua tổng đài hoặc vẫy xe trên đường. Chuyện bị chặt chém hay vẽ đường đã trở nên quá quen thuộc nhưng hầu như người ta chẳng còn lựa chọn nào khác, nếu không muốn đi bộ.


Năm 2014 và 2016, dịch vụ GrabBike và UberMOTO ra mắt đã đem đến cho người Việt một lựa chọn hoàn toàn mới. Với các ứng dụng di động được thiết kế đơn giản giúp người dùng dễ dàng đặt xe, cùng với việc ưu tiên tiết kiệm chi phí tối đa khi di chuyển đã giúp xe công nghệ ghi điểm trong mắt người Việt.


Ông Phúc (60 tuổi, Cầu Giấy) đã có trải nghiệm tốt về xe công nghệ. Ông chia sẻ: “Có lúc tôi phải đi khám bệnh mà con cháu bận đi làm hết, thế là tôi đặt xe. Lúc đầu tôi không biết dùng vì mấy thứ này người già như tôi khó lắm. Sau được con cháu chỉ thì cũng thành quen. Đi đâu là tôi gọi xe, bác tài đến tận nơi đón. Tiền xe thì hiện sẵn ở trên ứng dụng. Vừa thông minh lại an toàn.”


Xe công nghệ thuận tiện kể cả với người già (Ảnh: Minh Huyền)

Ngay cả những tài xế trước đây thường đứng đợi khách tại các điểm đông người cũng đã chuyển sang sử dụng các ứng dụng, nhận cuộc gọi xe, sử dụng định vị dẫn đường, và chủ động thực hiện dịch vụ để ổn định thu nhập. 


Sự thay đổi trong công việc của tài xế lái xe (Ảnh: Minh Huyền)

Ông Nguyễn Văn Lợi, 54 tuổi, đã 7 năm lái xe công nghệ cho biết: “Từ ngày có ứng dụng này, công việc dễ dàng hơn hẳn. Chạy xe qua ứng dụng nên sẽ có khách, không phải tìm khách như trước nữa. Công ty còn hỗ trợ tài xế tiền ăn trưa, tiền điện thoại và tiền xăng. Thu nhập cũng ổn định và có thể lo cho các con ở quê”.


Điều khiến các ứng dụng gọi xe ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam vì đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Hầu hết các ứng dụng đều thuận tiện, dễ dàng, các chương trình giảm giá, ưu đãi độc đáo và có chính sách rõ ràng.


Báo cáo nghiên cứu về nhu cầu sử dụng taxi/xe ôm truyền thống và công nghệ do Q&me vừa thực hiện cho thấy, ngày càng có nhiều người Việt Nam sử dụng loại hình di chuyển mới. 


Có tới 49% người dùng được hỏi cho biết thường xuyên sử dụng dịch vụ ô tô trên các ứng dụng gọi xe. Trong khi tỷ lệ người dùng taxi truyền thống là 23%. Đối với dịch vụ xe ôm, xe ôm công nghệ được sử dụng nhiều nhất bởi người dùng. Trong khi đó, chỉ có 13% người dùng thích sử dụng xe ôm truyền thống.


Ban đầu, xe công nghệ ra đời với mục đích phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, các hãng xe công nghệ ngày càng phát triển ứng dụng của mình, tích hợp nhiều dịch vụ. Hoạt động đời sống của người dân cũng được giải quyết triệt để nhờ xe công nghệ, từ ăn uống, đến nhu cầu mua sắm, y tế, giáo dục…


Nhiều nhu cầu của người dân được giải quyết nhờ xe công nghệ (Ảnh: Minh Huyền)

Vào tháng 3-2020, ngay giữa lúc giãn cách xã hội, Grab nhanh chóng ra mắt Grab Mart và Grab Assistant để giúp người dân “đi chợ" trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát. 


Grab còn triển khai sáng kiến số hóa chợ truyền thống, hỗ trợ các tiểu thương tại các chợ truyền thống khắp cả nước chuyển sang kinh doanh trên nền tảng online của Grab Mart.


Chẳng ai có thể hình dung đến một ngày, chỉ cần ngồi một chỗ, cầm điện thoại lên vừa đặt xe đi làm, lại có thể vừa gọi một món ăn ưa thích cho bữa tối của gia đình. Chỉ với một chiếc điện thoại và ứng dụng gọi xe, người dân có thể làm mọi thứ. Với sự tiện ích của ứng dụng gọi xe công nghệ, thói quen tiêu dùng của người Việt dần thay đổi.


5 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Bình luận


Tiêu điểm

bottom of page