Trong bối cảnh hiện nay, “chảy máu chất xám” đã và đang trở thành đề tài đầy tranh cãi và đáng lo ngại. Sự “di cư” chất xám đã tạo ra mối lo lắng về việc quốc gia khó có thể phát triển nhanh chóng khi mất đi những người giỏi.
“Chảy máu chất xám” là một thuật ngữ được hiểu là hiện tượng di cư của lực lương lao động có trình độ cao, giúp mang lại cơ hội trao đổi kiến thức và kỹ năng. Hiện tượng này gây ra nỗi lo lắng vì những cá nhân có kỹ năng và năng lực tốt rời khỏi đất nước, đóng góp chuyên môn của họ cho nền kinh tế của các quốc gia khác. Hiện tượng này dễ dàng nhận thấy tại các quốc gia đang phát triển.
Tại Việt Nam, hiện tượng này được thể hiện rất rõ tại chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia. Khi có tới hơn 20 nhà vô địch qua các nhưng hầu hết họ đều chọn các đất nước phát triển như Úc để làm việc và sinh sống. Điều này đã khiến cho một bộ phận dân mạng trêu đùa rằng nên đổi tên chương trình thành “Tìm kiếm nhân tài cho nước Úc”. Theo dữ liệu từ Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT cho thấy có khoảng 190.000 học sinh Việt đang du học ở nước ngoài. Và một trong số đó chắc hẳn đã từng nhận được một số bình luận tiêu cực kiểu như: “Học giỏi để đi khỏi đất nước”, “Bạn muốn đi đâu thì tùy, nhưng đừng bao giờ vô ơn với nơi nuôi dưỡng mình.”.
Nhìn rộng hơn, "chảy máu chất xám" không chỉ xảy ra khi du học sinh không trở về sau khi tốt nghiệp mà còn diễn ra trong việc sinh viên từ nông thôn lên thành phố học tập và làm việc. Có bao nhiêu bạn sinh viên sẵn sàng trở về quê nhà sau khi tốt nghiệp đại học tại các thành phố lớn? Có lẽ không cần khảo sát vì chắc chắn rằng ai cũng biết hầu hết các bạn trẻ sẽ chọn ở lại thành phố lớn để phát triển sự nghiệp.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao họ không về quê nhà để phát triển sự nghiệp? - Vì cơ hội việc làm tại nông thôn quá ít, thị trường kém cạnh tranh, thu nhập không cao hay phúc lợi không tốt và hàng loạt lý do khác.
Mỗi cá nhân đều có quyền lựa chọn làm những điều tốt nhất cho bản thân, vì vậy họ hoàn toàn có thể lựa chọn điều tốt nhất cho mình. Ông cha ta đã có câu “Đất lành chim đậu”, chất xám nên được đến nơi mà nó được tận dụng tối ưu nhất. Không ai hy vọng gia đình chi hàng tỷ đồng cho con cái đi du học để lấy một tấm bằng quốc tế nhưng lại chỉ nhận mức lương vài triệu đồng - bằng với cử nhân đại học trong nước.
Tại các quốc gia đang phát triển, sự phát triển kém của lĩnh vực khoa học công nghệ là một rào cản lớn đối với việc nghiên cứu và phát triển của các trí thức trẻ. Việc thiếu điều kiện và nguồn lực hỗ trợ khiến cho nhiều người phải lựa chọn học tập và làm việc ở nước ngoài để có cơ hội phát triển sáng tạo. Không chỉ vậy, hệ thống giáo dục chưa đủ chất lượng cần thiết để đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên. Điều này dẫn đến quan điểm rằng chỉ có bằng cấp từ các trường đại học nước ngoài mới mang lại cơ hội học tập chất lượng và là chìa khóa để đạt được thành công trong sự nghiệp. Không có môi trường học tập đủ sôi động và chất lượng, nhiều trí thức trẻ lựa chọn “đi xa” để tìm kiếm những cơ hội đào tạo tốt nhất.
Hơn nữa, Việt Nam đang dần trở thành một quốc gia hột nhập toàn cầu, do đó việc “trao đổi chất xám” với các quốc gia lân cận là điều cần thiết, và việc một người sinh sống và làm việc tại nước ngoài không phải không có đóng góp cho quê hương. Một người đi làm ở một quốc gia đang phát triển với mức lương $1,000 - $10,000, họ dùng số tiền đấy để đầu tư, giúp đỡ gia đình, làm vốn để phát triển sự nghiệp khi về nước. Sẽ thật sai lầm nếu nghĩ rằng: Phải ở trong nước thì mới có thể góp sức cho quê nhà.
Các quốc gia phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng có số lượng sinh viên đi du học nước ngoài rất lớn. Nhưng họ không coi đó là chảy máu chất xám mà xem đây cách nhanh nhất để bắt kịp kiến thức. Bởi, trong quá trình du học, sinh viên không chỉ tích lũy kiến thức mà còn xây dựng kinh nghiệm, mở rộng quan hệ và phát triển tư duy đa văn hóa. Điều quan trọng là khi họ có đủ kinh nghiệm, vốn, địa vị và sự tự tin, họ thường quyết định trở về quê hương đóng góp tích cực vào sự phát triển của quốc gia mình..
Tóm lại, trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, hiện tượng "chảy máu chất xám" có thể được nhìn nhận tích cực là sự "giao lưu chất xám" - nơi kiến thức, kinh nghiệm và tài năng có thể tự do phát triển mà không còn bị ràng buộc bởi biên giới quốc gia. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho mỗi cá nhân để họ có thể đóng góp vào sự phát triển toàn cầu.
Comments