top of page
multimedia.jpg

Multimedia

Khám phá Hà Nội qua từng khung hình, từng giai điệu! Hãy để mỗi tác phẩm của Multimedia là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa trải nghiệm văn hóa và đời sống đa dạng của người Hà Nội. Đừng bỏ lỡ!

Video

Hội quán Quảng Đông
01:34

Hội quán Quảng Đông

Trung tâm Văn hóa Nghệ Thuật số 22 Hàng Buồm hay còn gọi là Hội quán Quảng Đông của người Hoa sinh sống ở Việt Nam. Đây là địa điểm thu hút nhiều người bởi những nét kiến trúc độc lạ, giao thoa giữa các nền văn hóa Phương Tây- Việt- Hoa. Nơi đây được hình thành bởi cộng đồng người Quảng Đông (Trung Quốc) định cư tại phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương (nay là phố Hàng Ngang, Hàng Buồm, Lãn Ông) khoảng 400 năm trước. Đây từng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và cộng đồng cho người gốc Hoa, và là điểm giao dịch, thỏa thuận buôn bán và phân xử tranh chấp thương mại. Hội quán Quảng Đông cũng lưu giữ ký ức của con phố Hàng Buồm. Đặc biệt, lãnh tụ của cách mạng Tân Hợi là Tôn Trung Sơn đã từng tá túc trong ngôi nhà 22 Hàng Buồm này. Hiện nay trên tường ngôi nhà vẫn còn tấm biển đá đã bị sứt một góc. Trên tấm biển đá có mấy dòng chữ tiếng Việt và tiếng Hoa, nội dung như sau: “Cụ Tôn Trung Sơn người đi trước trong cuộc cách mạng dân chủ vĩ đại của Trung Quốc, năm 1904 đã từng ở đây". Sau năm 1978, ngôi nhà này trở thành Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ của quận Hoàn Kiếm. Hơn 40 năm Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ tọa lạc ở đây, đến cuối năm 2019, chính quyền thành phố Hà Nội chuyển Trường Tuổi Thơ sang địa điểm khác và thu hồi ngôi nhà này. Với tổng thể diện tích khoảng 1.800m2, ấn tượng đầu tiên mà địa điểm này mang lại cho du khách là không gian rộng lớn, các nét kiến trúc cổ kính thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa Việt - Hoa - Pháp vẫn được giữ nguyên. Không gian tại đây được bố trí thành nhiều tầng, lớp với các gian khác nhau theo đúng kết cấu của Hội quán Quảng Đông xưa kia.
Những khu tập thể cũ
00:59

Những khu tập thể cũ

Dịu dàng vẻ đẹp những khu tập thể cũ Hà Nội – nét đặc trưng không thể nào quên lãng Hà Nội được biết đến như là một thủ đô với nền kinh tế lớn của đất nước, đóng góp một vai trò không hề nhỏ bên cạnh những thành phố trọng điểm. Dù thủ đô theo dấu phát triển của đất nước mà trở nên hoa lệ, hiện đại, phát triển hơn tuy nhiên, bạn vẫn sẽ thấy đâu đó thấp thoáng trong Hà Thành vẫn còn những nét xưa cổ của những khu tập thể cũ Hà Nội. Khu tập thể cũ Hà Nội với những mảng tường vàng loang lổ, tróc sơn, đôi lúc lại còn bám rêu là hình ảnh vô cùng quen thuộc. Những chiếc lồng sắt cheo leo hay những ban công treo đầy quần áo sắc màu, một hình ảnh dung dị và bình yên, điều khó có thể tìm thấy ở thủ đô náo nhiệt. Những cầu thang sơn vàng cũ kỹ, là nơi lũ trẻ vẫn thường tận dụng để chơi cầu trượt mỗi ngày. Và cứ như vậy, ngày tháng qua đi, hình ảnh những khu tập thể cũ trở thành một phần không thể nào thiếu mỗi khi gợi nhắc về Hà Nội. Dần dà những điều nhỏ bé quen thuộc ấy sẽ bị thay thế bởi những căn nhà tầng cao cấp hơn, hiện đại hơn nhưng cái hồn của nó sẽ mãi trong lòng mỗi người dân gắn bó với Hà Nội thân thương…
Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập.
01:36

Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập.

Nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh nhật Bác Hồ, các địa điểm lịch sử gắn liền với Người đang nhận được sự quan tâm đông đảo. Đây là ngôi nhà nằm ở số 48 Hàng Ngang, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945. Với ý nghĩa lịch sử to lớn, ngôi nhà này đã được công nhận là Di tích quốc gia vào ngày 29/4/1979. Năm tháng trôi qua, căn nhà nay được mở cửa cho khách đến tham quan, tìm hiểu, hòa vào dòng chảy lịch sử của dân tộc, trở thành một di tích lịch sử thiêng liêng. Căn nhà nằm trong khu phố cổ của thủ đô Hà Nội, trước đây thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, một doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có. Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, ngôi nhà là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong những ngày đầu trở về Hà Nội và ra những quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Sau này, ngôi nhà được gia đình ông Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước và trở thành một di tích lịch sử, bởi nơi đây đã gắn liền với sự kiện quan trọng của đất nước. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, đến nay, kiến trúc của ngôi nhà hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Hiện tại tầng 1, phòng ngoài được dùng làm nơi trưng bày các di ảnh, đồ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc lão thành cách mạng. Trên tầng 2 là nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương được giữ nguyên nội thất và những hiện vật đã có. ở giữa là chiếc bàn chữ nhật dài màu cánh gián, xung quanh là 8 ghế tựa, một ghế lớn ở đầu, đều bọc nỉ xanh, phủ khăn trắng và một bàn nhỏ đặt một chiếc máy chữ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sử dụng. Nhà số 48 phố Hàng Ngang đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa theo Quyết định số 54 VH/QĐ ngày 29-4-1979 và được công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 2015.
Tham quan Nhà tưởng niệm Bác Hồ
01:36

Tham quan Nhà tưởng niệm Bác Hồ

Hòa chung với những ngày tháng Năm lịch sử và hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh nhật Bác, tại một ngôi nhà nhỏ nằm ở số 6 ngõ 319 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội) lại mở cửa đón du khách thập phương. Đây là nơi đầu tiên đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chặng đường từ Việt Bắc về Hà Nội năm 1945, giờ đã trở thành địa điểm về nguồn ý nghĩa. Trong ba ngày nghỉ lại tại đây (từ ngày 23/8 đến 25/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp làm việc với các đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng, cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng…. Nơi đây được chọn làm điểm dừng chân nghỉ lại của Bác bởi nhà cụ Nguyễn Thị An thuộc làng Phú Xá (nay thuộc phường Phú Thượng) là cơ sở cách mạng vững chắc và đáng tin cậy. Ngôi nhà có vị trí thuận lợi cách đê sông Hồng 100m, đường đi từ bờ đê xuống cổng qua sân có lối sang nhà khác trong làng. Trải qua gần 80 năm, ngôi nhà vẫn được bảo tồn vẹn nguyên trong khuôn viên rộng 187,6m2 với 14 di vật, hiện vật cùng nhiều tài liệu, hình ảnh liên quan sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu lại tại đây. Đó là bộ tràng kỷ nơi Bác Hồ từng ngồi làm việc; chiếc sập gỗ Bác đã nằm nghỉ ngơi; chiếc máy chữ, vali mây được Người mang về từ Chiến khu Việt Bắc; và cả bể nước, chiếc gương, chậu rửa mặt bằng đồng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng… Hai buồng nhỏ ở hai đầu nhà là nơi trưng bày nhiều bức ảnh của các cán bộ cách mạng đã ở ngôi nhà này để hoạt động cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp; cùng ảnh của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới thăm gia đình. Hiện ngôi nhà đang được gia đình ông Công Ngọc Dũng, cháu nội cụ An trông nom và cũng là người trực tiếp hướng dẫn đoàn du khách đến tham quan. Ngôi nhà được công nhận là “Nhà lưu niệm Bác Hồ” và chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 1996. Năm 2019, ngôi nhà được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố. Và mới đây, trong không khí những ngày mùa thu lịch sử kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, quận Tây Hồ, Hà Nội vừa vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Thị An.

Infographic

Ảnh

bottom of page