top of page

Victim-blaming - lời ngụy biện cho kẻ ác

Đã cập nhật: 4 thg 4, 2024

Việc đổ lỗi cho nạn nhân chính là cách để “bảo vệ” kẻ ác và “giết chết” nạn nhân thêm một lần nữa.


Hiện tượng đổ lỗi cho nạn nhân, hay còn được biết đến với thuật ngữ “victim-blaming” đang nổi lên như một vấn đề đáng lo ngại trong xã hội ngày nay. Đây là tình huống mà nạn nhân của một sự việc bất hạnh, phải đối mặt với sự chỉ trích hoặc trách nhiệm không đáng từ những người xung quanh.


Cụm từ “victim-blaming” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1971, trong cuốn sách Blaming the Victim của William Ryan khi ông mô tả việc nhóm người da trắng đổ lỗi cho nạn nhân để bảo vệ lợi ích của mình trong nạn phân biệt chủng tộc lúc bấy giờ của Mỹ. Tuy nhiên, hiện tượng này đã tồn tại trong xã hội từ lâu, và khó có thể xác định thời điểm mà nó bắt đầu.


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Trên thực tế, xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân thường sẽ xảy ra ở những vụ tấn công tình dục, đặc biệt là khi nạn nhân và thủ phạm quen biết nhau từ trước. Những người này thường có suy nghĩ nạn nhân “phải làm gì đó” nên mới bị thủ phạm tấn công. Nhiều chuyên gia tâm lý đánh giá đây là một lỗi tư duy bắt nguồn từ quan niệm “ác giả ác báo”. Nói một cách dễ hiểu, họ cho rằng trước khi gặp phải bất hạnh như vậy, nạn nh

ân chắc chắn đã làm điều xấu trước đó. 


Một số khác lại thích thể hiện bản thân hơn người, về vấn đề này chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Thủy chia sẻ. “Việc đổ lỗi cho nạn nhân hiện nay đa số là do ảnh hưởng từ hiệu ứng đám đông và tâm lý thích thể hiện bản thân hiểu biết, sẽ không gặp những tình huống giống như vậy. Họ cho rằng bản thân khôn ngoan và biết cách phòng tránh thay vì dành sự thương cảm cho những người gặp chuyện không may”. 


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của internet, các trang mạng xã hội dần trở thành nơi để “anh hùng bàn phím” thực hiện triệt để quyền tự do ngôn luận của mình, bao gồm cả việc bày tỏ những quan điểm sai lầm và lệch lạc. Họ dễ dàng tuôn ra những câu nói ác ý “Ăn mặc thế bảo sao không bị hiếp”, “Mặt xinh thế kia bị để ý là đúng rồi”, “Dáng đẹp thế kia bảo sao các anh chả thích”,... Do vậy, ngoài việc phải chịu sự làm dụng về thể xác, nạn nhân còn phải chịu những sự chỉ trích vô lý, điều này sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường trước được.


“Đổ lỗi cho nạn nhân là hành vi sỉ nhục nhân phẩm họ, khiến họ rơi vào khủng hoảng tâm lý trầm trọng, xấu hổ, mặc cảm, tự ti. Họ tự nghi ngờ vào bản thân, tự đổ lỗi cho chính mình và có cảm giác không an toàn khi muốn đưa tội ác ra ánh sáng. Nạn nhân sẽ rơi vào trạng thái sợ hãi thực tại, tuyệt vọng, bế tắc, uất ức dẫn đến trầm cảm, thậm chí tự tử.” - Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Đổ lỗi cho nạn nhân được xem là một cách để bảo vệ lợi ích và làm nhẹ tội cho hung thủ. Đây giống như một lời cổ xúy cho những kẻ có suy nghĩ xấu xa. Khi chúng ta sống trong một xã hội có xu hướng “victim-blaming”, nạn nhân không đủ can đảm đứng lên đòi lại công lý và hung thủ càng có cớ để cho rằng bản thân thực hiện những hành vi như vậy là có lí do “chính đáng”. Điều này sẽ khiến cho tỉ lệ tội phạm tình dục ngày càng gia tăng. 


Vào tháng 09/2019, hãng xe công nghệ Be đã gây tranh cãi khi đưa ra thông báo cho rằng nếu hành khách ngồi sau xe máy beBike ăn mặc "mát mẻ" hoặc ôm sát có thể khiến cho tài xế "mất tập trung" và khuyến cáo khách hàng nên sử dụng thêm áo khoác, váy phủ chân, hoặc cân nhắc đặt 1 chiếc beCar. Nhiều người cho rằng, đây là một biểu hiện của tâm lý “victim-blaming”, lẽ nào sự an toàn của chuyến đi phụ thuộc vào việc khách hàng nữ mặc váy ôm sát hay không? Điều này thật sự quá vô lý. 


Thông báo được cho là “victim-blaming” của hãng xe công nghệ (Nguồn: Internet).

Rõ ràng, việc nạn nhân mặc gì, làm gì, hay trông như thế nào không hề là yếu tố để cấu thành nên tội phạm tình dục.Tại Bỉ, triển lãm “Bạn mặc gì vào hôm bị xâm hại” đã trưng bày 18 bộ trang phục của những nạn nhân sống sót sau các vụ cưỡng bức. Thậm chí, có nạn nhận đã mặc quân phục và mang theo súng nhưng vẫn không thể tự bảo vệ mình. Do vậy, trang phục của nạn nhân không bao giờ được coi là yếu tố “kích thích” hung thủ.


“Tôi mặc quân phục và đem theo một khẩu súng. Quá đủ để ngăn cản bất cứ thứ gì” (Nguồn: Internet). 

Hành vi đổ lỗi cho nạn nhân đồng nghĩa với việc từ chối lắng nghe người bị hại và bảo vệ kẻ gây nên tội ác. Những nạn nhân khi phải hứng chịu sự công kích của cộng đồng sẽ dần nảy sinh sự oán hận với xã hội, và tìm cách trả đũa cho những gì họ đã trải qua. 


Trong xã hội hiện đại, việc loại bỏ “victim-blaming” là điều vô cùng cần thiết để tạo ra một cộng đồng văn minh. Mỗi cá nhân đều cần hiểu bản chất của vấn đề, suy nghĩ thấu đáo và có trách nhiệm với phát ngôn của bản thân.


10 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

댓글


Tiêu điểm

bottom of page