top of page
Vũ Thị Ánh

Nghe podcast chữa lành: Lành ít dữ nhiều

“Chữa lành” là chủ đề được nhiều bạn trẻ yêu thích khi nghe podcast. Thế nhưng gần đây, một số podcast bắt đầu xuất hiện những từ ngữ tục tĩu, phản cảm.


Nghe podcast “lành ít dữ nhiều”

Gần đây, mạng xã hội (MXH) TikTok đang được các bạn trẻ đăng tải video podcast chữa lành với nhiều từ ngữ thô tục, đang dần trở nên phổ biến trên nền tảng này. Vì mang tính độc lạ, nên thu hút lượng lớn lượt tương tác, bình luận từ người dùng MXH.


Podcast "chữa rách vết thương" đã lành, đang dần trở nên phổ biến. (Ảnh: chụp màn hình)

Đây là những lời mở đầu cho một podcast chữa lành bằng việc dùng những từ ngữ thô tục: “Chào bạn, ngày hôm nay của bạn có vui không? Còn mình hôm nay như con...”, “Hôm nay mình chia sẻ với mọi người câu chuyện làm thế nào để chúng ta có thể nói đạo lí mà không sống như cái...”, Nếu mà cuộc đời bạn như cái...thì nó sẽ như cái...",...


Thậm chí các đoạn podcast này còn được cắt ghép, chèn vào clip để chia sẻ lên nền tảng TikTok và tạo được hiệu ứng cao.


Ngay phía dưới các clip TikTok sử dụng sound podcast này đã nhận về nhiều phản ứng khó chịu từ các bạn trẻ như: “Podcast chữa lành, nhưng lành ít dữ nhiều”, “Đang nghe cái tự nhiên tỉnh ngang”, “Tìm podcast tâm tình để nghe mà sao nay nó lạ quá, ngột ngạt thêm”...


Mọi người nghĩ gì khi nghe pocast "chữa lành"?

Những video podcast chữa lành bằng việc văng tục thu hút lượng lớn lượt tương tác. (Ảnh: chụp màn hình)

Bạn Minh Hiếu (21 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi nghe xong các podcast chữa lành, mình thấy dù nội dung không nhẹ nhàng như các podcast truyền thống, nhưng chúng phần nào cũng mang lại cho mình cảm giác giải tỏa hơn. 


Tuy nhiên, mình cảm thấy những từ ngữ chửi tục không thật sự phù hợp để đưa vào những sản phẩm phổ biến đến công chúng như thế. Khi làm clip cho các nền tảng mạng xã hội khác như TikTok, YouTube... đều có quy tắc cộng đồng, nên mình nghĩ làm podcast cũng cần phải vậy.”


Bản thân là một gen Z, mình nghĩ những podcast như vậy không nên nhận được nhiều sự ủng hộ, nhất là các bạn trẻ. Chúng khiến mình cảm thấy nặng nề hơn. 


Nghe podcast là để thư giãn nên mình không chọn những kênh chứa nội dung thế này. Mình nghĩ, việc sử dụng những từ ngữ nhạy cảm làm podcast tuy gây ấn tượng cho người nghe lần đầu, nhưng về lâu sẽ không còn hay nữa. Chúng hoàn toàn có khả năng ảnh hưởng xấu đến nhận thức người nghe, đặc biệt là các bạn teen.”, bạn Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) bộc bạch. 


Chị Nguyễn Thị Thúy (Hoàng Mai, Hà Nội) có hai người con đang ở lứa tuổi học sinh không khỏi lo lắng con mình sẽ bị ảnh hưởng. Chị Thúy chia sẻ: “Lứa tuổi học sinh, sinh viên sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì bây giờ các bạn trẻ xem TikTok rất nhiều. Tôi lo ngại điều này có thể ảnh hưởng tới cách ứng xử ngoài đời thực của các bạn trẻ. Đây là vấn đề rất đáng báo động về chuẩn mực văn hóa trên nền tảng này.”


Không nên cổ súy lời lẽ thô tục

Dưới góc độ tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, xu hướng chữa lành đang là một từ khóa hút khách, khi mà nhiều người đang trong trạng thái căng thẳng, hoang mang và muốn tìm cách là để giải tỏa tâm lý cho bản thân.


Xuất phát từ điều đó, nhiều bạn lên mạng xây dựng những podcast chữa lành nhưng lại sử dụng những từ ngữ thô tục để truyền tải. Qua đó, chính các bạn cũng đang giải tỏa những ấm ức của mình lên trên không gian mạng, nơi được xem là dễ chấp nhận hơn và đỡ bị phán xét hơn. Thế nhưng về lâu dài, nó mang lại rất nhiều các nguy cơ vì người khác sẽ nhận xét, đánh giá các bạn qua những phát ngôn, hành xử trên không gian mạng. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tương lai của các bạn sau này.


Ở khía cạnh xã hội, việc những video podcast chứa phát ngôn tục tĩu xuất hiện tràn lan có thể khiến nhiều người có xu hướng bình thường hóa và chấp nhận những hành vi lệch chuẩn, khiến cho việc giáo dục văn hóa ứng xử của những người trẻ trở nên khó khăn hơn.


Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, việc nâng cao nhận thức của công chúng thông qua các chiến dịch giáo dục, từ nhà trường đến xã hội có vai trò quan trọng. Cần phải xây dựng nội lực cho những người trẻ khi tham gia không gian mạng và giúp họ hiểu rõ những hậu quả khôn lường, những tác động tiêu cực từ việc tiêu thụ những sản phẩm rác, xấu, độc, để trở thành những người xem thông minh.


73 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


Tiêu điểm

bottom of page