Phim "Đào, phở và piano" không chỉ dừng lại ở việc là một tác phẩm giải trí mà còn mở ra một góc nhìn mới về cách tiếp cận lịch sử thông qua phim ảnh.
Cơn sốt “Đào, phở và piano”
Suốt nhiều ngày vừa qua, “Đào, phở và piano” (Đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn) bất ngờ gây sốt khắp các trang mạng xã hội. Bộ phim thuộc thể loại phim chiến tranh, lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội, kể về chuyện tình của chàng cảm tử quân Văn Dân (do Doãn Quốc Đam đóng) với nàng tiểu thư Hà thành (do Cao Thị Thùy Linh đóng). Khi những người khác đã di tản lên chiến khu, họ quyết định cố thủ lại mảnh đất thủ đô đã tan hoang vì bom đạn, mặc cho những hiểm nguy đang chờ đợi trước mắt.
Khác xa với những bộ phim đình đám của những năm trước như “Mùi cỏ cháy” (2012), “Hà Nội 12 ngày đêm” (2002), “Em bé Hà Nội” (1974), “Cánh đồng hoang” (1979) … “Đào, phở và piano” có mùi súng đạn, có hoang tàn, đổ nát, có cả máu và nước mắt nhưng cũng có tiếng đàn piano chạy dài như một khúc trữ tình của Hà Nội, có những cánh hoa đào bay phấp phới trong gió réo gọi tự do, có mùi thơm của phở, có môi thắm má hồng và tình yêu đôi lứa.
Nhiều ngày qua, không ít bạn trẻ dành nhiều giờ đồng hồ để xếp hàng săn được tấm vé để thưởng thức bộ phim này. Không chỉ “cháy vé”, mà với lượng truy cập quá lớn đã khiến trang web của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội) bị sập, các suất chiếu cũng liên tục kín chỗ tới mức đơn vị phải mở thêm suất chiếu để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Do vậy, “Đào, phở và piano” được xem là hiện tượng phòng vé chưa từng có của điện ảnh Việt.
Tìm hiểu lịch sử qua phim ảnh, tại sao không?
Từ sự thành công của "Đào, Phở và Piano" cho thấy lịch sử không nhất thiết phải được truyền đạt qua sách vở một cách khô khan và xa cách mà có thể thông qua phim ảnh để trở nên hấp dẫn nhất, đặc biệt là với người trẻ.
Lịch sử thường được đánh giá là môn học khô khan và thiếu hấp dẫn, còn phim ảnh là lĩnh vực của sự sáng tạo và nghệ thuật.Chính vì vậy, việc lựa chọn phim ảnh để tái hiện lịch sử sẽ giúp khán giả có cái nhìn chân thật và sinh động hơn về quá khứ.
Chính sự nghệ thuật, tính sáng tạo, cảm xúc của phim ảnh khi kết hợp với lịch sử lại mang lại hiệu quả rất cao, giúp khán giả "thấy" và "cảm nhận" lịch sử qua mỗi khung hình, mỗi lời thoại.
Thứ nhất, nó sẽ không còn khô khan nữa. Mặc dù khi được tái hiện bằng điện ảnh, tính chính xác của lịch sử sẽ không bao giờ là 100% bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn viên hóa thân, nội dung thay đổi cho phù hợp, đảm bảo tính nghệ thuật vốn có của điện ảnh. Thay vì đọc những con chữ rồi tưởng tượng ra con người, cảnh vật thì khi coi một bộ phim lịch sử sẽ giúp chúng ta cảm thấy hứng thú hơn. Nhờ vào cảm xúc từ nghệ thuật làm phim mang lại thì những kiến thức lịch sử dễ in vào trí nhớ chúng ta hơn. Những thứ làm ta ấn tượng thì ta sẽ nhớ lâu, vì thế học sử qua phim là một cách rất hay.
Ngoài ra, bất kỳ bộ phim hay tác phẩm nghệ thuật nào khi được công bố đều sẽ có những quan điểm khác nhau. Chính bằng việc tranh luận để bảo vệ quan điểm của bản thân cũng sẽ giúp người xem phát triển khả năng phê phán và phản biện. Mặc dù không phải tất cả thông tin trong phim đều chính xác về mặt lịch sử, nhưng chúng tạo điều kiện để người xem tìm hiểu thêm và phân biệt giữa sự thật và hư cấu. Điều này không chỉ giúp họ hiểu rõ hơn về quá khứ mà còn rèn luyện tư duy phê phán, một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống.
Cuối cùng, phim ảnh lịch sử đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng và tạo động lực cho người xem, không chỉ trong việc học hỏi từ quá khứ mà còn trong việc áp dụng những bài học đó vào cuộc sống hiện tại. Những câu chuyện về lòng dũng cảm, sự kiên trì, và khao khát tự do có thể trở thành nguồn động viên mạnh mẽ, nhắc nhở mỗi người về giá trị của sự nỗ lực và tầm quan trọng của việc đóng góp vào cộng đồng và xã hội.
Tóm lại, phim ảnh lịch sử không chỉ là cửa sổ nhìn vào quá khứ mà còn là công cụ giáo dục và nguồn cảm hứng quý giá. Qua việc kết hợp giữa giải trí và giáo dục, phim ảnh lịch sử mở ra cơ hội để mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, kết nối với lịch sử một cách sâu sắc, đồng thời phát triển những kỹ năng và thái độ tích cực đối với việc học hỏi và tôn trọng quá khứ.
Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ mạnh mẽ, việc xây dựng các thước phim và tư liệu lịch sử hấp dẫn nên cần được chú trọng và quan tâm tâm hơn. Hi vọng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ sản xuất nhiều bộ phim đề tài kháng chiến để đáp ứng mong đợi của khán giả sau cơn sốt “Đào, Phở và Piano”.
Comments