top of page
Minh Huyền

Ngô Quý Đức - Hành trình 17 năm “Về làng” xuất phát từ niềm đam mê đồ thủ công truyền thống.

Đã cập nhật: 4 thg 4, 2024

Làng nghề thủ công Việt Nam là nơi lưu giữ những tinh hoa văn hóa truyền thống. Song, nhiều làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống đang thất thế. Có một chàng trai Ngô Quý Đức 17 năm rong ruổi tìm công thức làm tỏa sáng tinh hoa văn hóa làng nghề Việt.


Ngô Quý Đức và hành trình 17 năm về làng (Ảnh: NVCC)

- Anh có thể chia sẻ điểm đặc biệt trong văn hóa các làng nghề để thôi thúc anh có động lực thực hiện dự án "Về làng"?

Ngô Quý Đức: Hồi bé mình được tiếp xúc với rất nhiều các sản phẩm thủ công, ví dụ như bức tranh Đông Hồ này, tranh Hàng Trống ở trong dịp Tết, những bộ bàn ghế bằng mây tre, những cái hộp sơn mài hay là những cái rổ, cái rá bằng tre chẳng hạn. 

Khi mà xã hội hiện đại phát triển thì là những sản phẩm đấy dần dần bị mất đi, rồi những căn nhà hiện đại hơn, ở chung cư mọc lên rất nhiều thì những sản phẩm ấy dần dần không xuất hiện ở trong đời sống hàng ngày nữa thì đó là một cái mà khá là tiếc.


- Được biết, trước dự án “Về làng”, anh có xây dựng một dự án là My Hanoi về trò chơi dân gian. Đây có phải là bước đệm để anh tạo ra “Về làng” hay không?

Ngô Quý Đức: Cũng có thể nói là có. Bởi vì qua dự án My Hanoi thì mình bắt đầu đi về các làng quê. Qua những chuyến đi đó thì mình gặp gỡ được nhiều người, những người thợ và nghệ nhân làm ra các sản phẩm thủ công truyền thống. Mình cũng gặp lại được chính những sản phẩm mà một thời mình rất là thích. Thế là ra mình lại đi sâu tìm hiểu về những nghề thủ công ấy và cũng là từng kết nối với cả làng nghề. Chính việc đó đã giúp mình tích lũy những kiến thức về làng nghề, những mối quan hệ với người thợ thủ công để thành lập dự án “Về làng” sau này.


Nhờ quá trình đi và tìm hiểu, Ngô Quý Đức đã có những mối quan hệ tốt với nghệ nhân làm nghề. (Ảnh: NVCC)

- Anh có thể chia sẻ cho mọi người cùng biết mục đích mà anh xây dựng dự án “Về làng” là gì không?

Ngô Quý Đức: Mình có một cái mong muốn làm sao để đưa những cái sản phẩm thủ công trở nên phổ biến hơn trong đời sống hiện đại. Mình muốn lan tỏa những giá trị về văn hóa và lịch sử của các làng nghề, hay là những câu chuyện về những người nghệ nhân, những cái nét tinh hoa của làng nghề Việt để mọi người có thể hiểu rõ hơn về những giá trị đó chứ không riêng gì sản phẩm.


- Anh có thể chia sẻ những trải nghiệm, những kỉ niệm đáng nhớ trong suốt 17 năm hành trình “Về làng” mà anh đã trải qua không? Có điều gì khiến anh gặp khó khăn hay trở ngại gì không khi mà dự án “Về làng” của anh được ra mắt vào năm 2020 là thời gian dịch Covid đang bùng lên rất mạnh ở Việt Nam?

Ngô Quý Đức: Để mà nói có khó khăn hay trở ngại gì không thì câu trả lời là Không. Mọi thứ gần như rất thuận lợi với mình khi mình thành lập dự án này. Cái tên “Về làng” này bắt đầu từ năm 2020 nhưng mà cái quá trình mà để hình thành ra được dự án được tích góp qua rất nhiều năm. Từ năm 2006, 2007 cho đến tận năm 2020 thì là cả một quá trình, tích góp các mối quan hệ, kiến thức, tất cả những cái sản phẩm nữa. Trong cái khoảng thời gian rất dài, đi tích góp dần, tích góp dần. Dần dần đến năm 2020 khi mà mình thành lập thì gần như là mình đã có rất nhiều thứ có sẵn rồi. Quá trình mình tìm hiểu về các làng nghề thì cũng tự nhiên thôi, vì mình đam mê, không quá nặng nề hôm nay phải tìm hiểu được cái này, ngày mai phải đi được làng kia. Mình thích thì mình cứ tìm hiểu dần thôi. Còn về thời điểm năm 2020 khi mình ra mắt “Về làng”, đây cũng là điều kiện để mình xây dựng trang web của mình, tự cập nhật những thông tin mà mình có để mọi người có thể tìm đến đọc và tìm hiểu.


- Anh Đức cũng có tổ chức những chuyến đi về làng, gặp gỡ các nghệ nhân đúng không anh? Quá trình để anh có thể thiết kế ra một chuyến đi về làng là như thế nào?

Ngô Quý Đức: Trước tiên mình phải có kiến thức. Mình phải biết được là làng nghề này sẽ có những cái giá trị gì, lịch sử thế nào, văn hóa thế nào xong rồi cái nghề đấy có phù hợp hay không để có thể làm trải nghiệm. Mình đã có sẵn những kiến thức của mình, những thông tin của mình ở trong rất nhiều năm rồi thì mình sẽ biết là trong chuyến đi như thế thì mình sẽ đi những đâu, đến những điểm nào đầu tiên, gặp những ai, cho mọi người trải nghiệm cái gì, làm gì để một người có thể cảm nhận được những cái giá trị về lịch sử, văn hóa của ngôi làng đấy, để mọi người biết được về những cái kỹ thuật nghề cơ bản để thấy được làm ra một cái sản phẩm thủ công như thế nào. Giả sử như một cái giỏ mây chẳng hạn, nó sẽ mất rất nhiều thời gian như thế nào, mình khéo léo, tỉ mỉ như nào thì họ trân trọng hơn. Và sau khi đi thì mọi người sẽ đạt được cái điều gì. 


- Những tour du lịch các làng nghề của anh tổ chức thường nhận được phản hồi như thế nào? Anh có dự định mở rộng thêm hình thức tham quan như vậy với nhiều điểm đến hơn không?

Ngô Quý Đức: Mọi người rất là thích những chuyến đi này. Có người tham gia hết tất cả, mình tổ chức chuyến nào là họ đi chuyến đó vì mỗi lần mình đưa mọi người đi một nơi khác nhau, không lần nào bị trùng. Có người ở trong Sài Gòn đã đăng ký đi cùng dự án và cũng rất thích, họ cũng mong muốn sau này “Về làng” có chuyến đi nào thì họ sẽ sắp xếp thời gian để ra Hà Nội. Còn về mở rộng hình thức tham quan phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đây cũng là mong muốn của mình trong tương lai. Bởi vì như mọi người tìm hiểu thì gần như không có một công ty du lịch nào tổ chức tham quan làng nghề cả. Mọi người muốn thì tự tìm hiểu và tự đi. Nếu phát triển du lịch không có kế hoạch lâu dài thì còn khiến mất đi giá trị cốt lõi của làng nghề ấy. Điều này cũng từng xảy ra rồi. Đấy là một điểm rất hạn chế. Bên cạnh trải nghiệm chuyến đi về làng nghề thì mọi người cũng có thể đến các sự kiện, lễ hội, hội chợ để giao lưu và tìm hiểu.


- Gần đây nhất có "Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023", tôi rất ấn tượng với gian hàng trưng bày của "Về Làng" tại đây, có rất nhiều sản phẩm thủ công đến từ các làng nghề truyền thống, và điều đó cũng góp phần không nhỏ trong việc quảng bá cho nhiều người biết đến không chỉ sản phẩm mà còn là giá trị của các làng nghề. Anh đã có sự chuẩn bị như thế nào cho lễ hội này?

Ngô Quý Đức: Trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 vừa rồi, anh mời hợp tác với các bạn trẻ, các cơ sở sản xuất trẻ. Cách thức mà họ thiết kế, họ làm sản phẩm có sự trau chuốt, sự tỉ mỉ và có sự nghiên cứu trong các thiết kế. Sản phẩm họ rất hay, rất lạ với cả so với tất cả những sản phẩm truyền thống. Những sản phẩm làm ra có tính thẩm mỹ và ứng dụng cao. Những người đến xem, có thể là người tiêu dùng sau này, họ thấy ấn tượng với các sản phẩm thủ công. Nó có thể đạt được đến độ tinh xảo như thế. Đây cũng là sự thay đổi tích cực cho các sản phẩm thủ công. Những người thợ cũng nhìn thấy điều này, thay đổi về cách thiết kế, quá trình sản xuất để cho ra những sản phẩm chất lượng nhất.


Gian hàng của Ngô Quý Đức tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 (Ảnh: NVCC)

- Anh có mong muốn sẽ đưa những sản phẩm này ra quốc tế không?

Ngô Quý Đức: Đây là điều chắc chắn. Đưa những sản phẩm thủ công ra quốc tế là dự định lâu dài của mình và “Về làng”. Làm sao có thể đưa những sản phẩm tinh hoa của Việt Nam, những câu chuyện của các làng nghề hay là những câu chuyện của những người nghệ nhân không phải chỉ là ở trong phạm vi ở trong nước. Mình phải đưa ra thế giới được để cho họ biết được là Việt Nam có những tinh hoa như thế này.


- Anh nghĩ vai trò của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa làng nghề là gì?

Ngô Quý Đức: Đối với các bạn trẻ, các bạn có thể làm điều đó qua từng sản phẩm của mình. Các bạn học thiết kế, có thể ứng dụng kiến thức của mình để làm ra một sản phẩm. Các bạn học truyền thông có thể tuyên truyền, quảng bá làng nghề ngày càng đến gần hơn với mọi người. Có rất nhiều bạn trẻ cũng đang kinh doanh các sản phẩm làng nghề nữa thì các bạn cũng góp phần để đưa sản phẩm đấy nó đến rộng rãi hơn cả cộng đồng.


Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Ngô Quý Đức (1985) là người có nhiều năm gắn bó với các làng quê Việt, là người sáng lập ra dự án Về làng. Năm 2017, anh đã vinh dự được đón nhận danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô.

Anh có mong muốn được đưa các giá trị văn hoá của làng quê, của nghề truyền thống, của các sản phẩm thủ công Việt đến với cộng đồng không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới.















19 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


Tiêu điểm

bottom of page