Trong xã hội hiện đại, đã có nhiều truyền thống bị mai một, nhưng có một giá trị truyền thống vẫn được người Việt lưu giữ cho tới tận bây giờ đó là tục gói và dâng cúng bánh chưng vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Và gia đình ông Nguyễn Vạn tại Trung Kính, Hà Nội là điển hình cho việc gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hoá ấy.
Trong kí ức xưa của người Việt, đặc biệt là người Hà Nội, những ngày cận Tết sẽ là khoảng thời gian ai ai cũng mong hoàn thành sớm công việc của mình để được về đoàn tụ với gia đình. Bởi ai cũng muốn được cùng với gia đình quây quần gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên, ông bà. Thời nay, ít nhà ở thành phố còn giữ được nét truyền thống này bởi bánh chưng được gói sẵn và bán sẵn tại các cửa hàng, siêu thị với nhiều mẫu mã hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, để tìm một không gian vừa đủ để đun bánh chưng ở thành phố lại càng khó hơn.
Thế nhưng ngay giữa thủ đô Hà Nội, gia đình ông Nguyễn Vạn vẫn giữ nguyên được nét truyền thống Tết xưa, tự tay gói những chiếc bánh chưng. Hằng năm, cứ sáng sớm ngày 25 Tết, các con, cháu và chắt của ông có mặt đông đủ, tập trung để gói bánh..
Ông Vạn cũng tâm sự rằng: “Theo phong tục cổ truyền, từ xưa các cụ để lại Tết Âm Lịch hằng năm, trước tết thì gia đình tôi sẽ tự tay gói bánh chưng. Gia đình tôi đã bắt đầu gói bánh chưng từ năm 1965 cho đến tận bây giờ.”
Cả buổi sáng, gia đình ông ai nấy cũng đều tất bật, người thì gói bánh, người thì nặn đậu, người thì vo gạo nếp,... Công việc nhiều là thế nhưng không khí chỉ toàn là tiếng nói cười vui vẻ, hỏi thăm của các thành viên trong gia đình sau một năm học tập, làm việc vất vả.
Với kinh nghiệm nhiều năm gói bánh chưng, ông Vạn cho biết bánh chưng của nhà ông chất lượng hơn so với bánh gói sẵn. Thứ nhất, ông luôn lựa chọn loại gạo ngon, gạo nếp loại một. Thứ hai, đỗ xanh sẽ là đỗ tươi, chưa bóc vỏ. Mặc dù, ông biết ở nhiều nơi có phong tục mua đậu đã bóc sẵn rồi đổ vào gạo nếp gói luôn. Còn đối với gia đình ông, đậu xanh sẽ ngâm xong đãi vỏ sau đó đồ chín, giã nhỏ rồi nắm lại thành nắm để cho bánh chưng có nhiều đậu và ngon hơn. Điều đặc biệt trong chiếc bánh của gia đình ông Vạn là gạo nếp cái hoa vàng được trộn với nước lá riềng để tạo màu xanh tự nhiên và tạo mùi thơm đặc trưng khi bánh chín.
Năm nay, gia đình ông Vạn gói 250 cái bánh, vừa đủ ba nồi. Tầm trưa, bánh đã gói xong, bắc nồi lên bếp, gia đình ông chọn đun bánh chưng bằng củi để lửa râm râm trong suốt 10 tiếng đồng hồ. Trước khi xếp bánh vào nồi, các con của ông xếp thêm lá dong thừa ở dưới đáy nồi để không cháy bánh. Các cháu trai của ông cũng bắt đầu bê những chiếc bánh chưng vuông vức từ trong nhà ra xếp vào nồi. Khi nồi bánh chưng được bắc lên bếp, lúc này Tết thực sự đã bắt đầu với gia đình ông Vạn.
Có thể nói, trong xã hội hiện đại ngày nay, bánh chưng không hiếm, cũng chẳng gây thèm thuồng cho trẻ con nhưng cái không khí được tụ họp cùng nhau, tự tay chuẩn bị từng khâu một, gói những chiếc bánh có thể chưa đẹp nhưng đó là thành quả đáng trân trọng và là những khoảnh khắc ý nghĩa không thể tìm thấy ở đâu khác. Bởi vậy, giữ gìn truyền thống gói bánh chưng ngày Tết không chỉ để lưu giữ nét văn hoá của người Việt, mà còn là duy trì hơi ấm gia đình cho thế hệ trẻ mai sau.
Comments