Trải qua 99 ngày tạo tác, 24 công đoạn chế tác tinh xảo, Kỳ Linh Giáp Thìn 2024 với thông điệp Dấu Ấn Rồng Thiêng đã được các nghệ nhân tại Làng gốm Bát Tràng chính thức trình làng.
Bát Tràng là làng gốm lâu đời và nổi tiếng nhất ở Việt Nam đã làm ra nhiều sản phẩm gốm độc đáo mang sắc thái riêng. Năm 2024 là năm Giáp Thìn, các nghệ nhân tại làng gốm Bát Tràng phóng tác, tạo nên những chiếc ấn Rồng dát vàng độc đáo để phục vụ cho nhu cầu mua linh vật Rồng về trưng của khách hàng.
Tác phẩm được lấy cảm hứng từ Quốc Ấn “Hoàng đế Chi Bảo” một bảo vật vô giá của Việt Nam và tạo hình dựa trên các đường nét bí ẩn Rồng thời Lê đang được ngự tại Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long. Để mỗi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, mỗi người thợ thủ công tại Làng gốm Bát Tràng phải trải qua rất nhiều công đoạn chế tác cầu kỳ, tinh xảo.
Ông Phạm Việt Khoa, nghệ nhân tại Làng gốm Bát Tràng chia sẻ: “Để tạo ra một ấn Rồng phải trải qua 24 công đoạn, rất mất nhiều thời gian. Để nói tóm gọn lại là công đoạn đầu tiên là công đoạn tạo mẫu, tạo mẫu làm sao cho ra một cái ấn Rồng, một cái hình khối bằng đất phải đúng với những cái tiêu chí của một con rồng Việt Nam. Từ con rồng đấy thì mới bắt đầu đi đổ khuôn, đổ khuôn để sản xuất ra một loạt, rồi đến công đoạn sửa, chắp, rồi công đoạn đắp vây, và vẽ vàng”.
Không chỉ tỉ mỉ trong từng công đoạn, ấn rồng có những yêu cầu thực hiện khắt khe như đất sét phải lấy ở vùng đất thiêng tại Quảng Ninh, nhào nặn đất với nước sông Hồng, chế tác bằng đôi bàn tay của nghệ nhân tuổi Thìn... Đặc biệt, trên thân ấn gốm dát vàng có đắp nổi hình ảnh cá chép hóa rồng và điêu khắc ba chữ An - Thuận - Phát hình tượng cho sự an lành, thuận lợi và phát triển. Ấn rồng bằng gốm sứ hoàn thiện được bán ra thị trường với giá từ sáu đến chín triệu đồng, tùy phiên bản màu sắc.
Dấu Ấn Rồng Thiêng ra đời không chỉ mang ý nghĩa như dấu mốc đánh dấu cho một thời kỳ mới, một năm 2024 an khang, thịnh vượng, mà còn là sự kết hợp hoàn hảo của những bí kíp sản xuất, kỹ thuật đạt trình độ điêu luyện đã được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác của các nghệ nhân tại làng gốm Bát Tràng.
Comentários