top of page
Ảnh của tác giảPV

Số hóa để bảo tồn, kết nối du khách ở ngôi đình cổ quận Hoàn Kiếm

Đình Đồng Lạc ở 38 phố Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) là một trong những di sản được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm và bảo tồn. Để thu hút khách, tại đây đã tích hợp công nghệ cung cấp thông tin hiệu quả.


Đình Đồng Lạc ở 38 phố Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm). (Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị)
Di sản hàng trăm năm

Nằm tại số 38 phố Hàng Đào (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đình Đồng Lạc ở giữa sự tấp nập, ồn ào của phố cổ, cảm giác cả kiến trúc cổ kính này như một nốt lặng giữa trung tâm đô thị luôn vận động. Điều này lại càng được khẳng định thêm bằng việc bước chân vào bên trong ngôi đình, chúng ta dường như trở lại thời xưa cũ trầm mặc với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo.


Đến đây, phóng viên được ông Phạm Lê Hải, quản lý đình Đồng Lạc chia sẻ, không gian kiến trúc ngôi đình được phân chia bởi từng lớp nhà, giữa các lớp nhà có sân trong nhằm thông gió và lấy ánh sáng. Đặc điểm này cũng chính là ưu điểm riêng của kiến trúc phố cổ nhằm thích nghi và phù hợp với điều kiện khí hậu bản địa.


Toàn bộ ngôi đình có mặt bằng dạng thót hậu, rộng mặt tiền 6m, bên trong thót lại còn 1,1m, tổng diện tích khu đất là 188,9m, sâu 51,65m. Mặt bằng bố cục theo nguyên tắc nhà ống truyền thống ở phố cổ Hà Nội.


Xưa hơn nữa, đình Đồng Lạc được xây dựng vào thời nhà Lê (thế kỷ XVII) thờ các vị thần trong Tứ trấn của Thăng Long Hà Nội thần Bạch Mã trấn phía Đông, Linh Lang vị thần trấn phía Tây, Cao Sơn vị thần núi non trấn phía Nam kinh thành xưa.


Đình được trùng tu lần cuối vào năm 2000. (Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị)

Do nhiều biến động của lịch sử, ngôi đình đã bị tàn phá và đến năm 1941, đình được xây dựng lại với quy mô hai tầng. Cuộc trùng tu cuối cùng vào năm 2000 đã mang đến cho đình một diện mạo mới với những bia đá dựng năm 1856 vẫn còn nguyên.


Dấu vết duy nhất còn sót lại trong ngôi đình là hai đầu dư mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn và tấm bia đá gắn trên tường được khắc năm Tự Đức Bính Thìn (1856) ghi về việc đình được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII).


Trên bia ghi rõ: “Đình chợ có bán yếm lụa do hiệu chủ Nguyễn Công Trung và vợ là Nguyễn Thị Từ Thiết xây dựng từ thời Lê, quy mô rộng rãi. Nhưng vì chiến tranh, đình bị phá hủy. Về sau, ông Hà Đình Nguyễn Cảnh Thê đứng ra lo việc trùng tu lại ngôi đình, giao cho ông Trần Hợp Tài và Nguyễn Bá Lân trông nom, xây dựng…”.


Bà Lê Thị Tâm (Hàng Đào, Hoàn Kiếm) chia sẻ, ngôi đình cổ nằm tại vị trí 38 Hàng Đào, dưới sự cải tạo, trùng tu và giữ gìn hiện trạng, đến nay nơi đây đã trở thành một điểm đến quan trọng của những tour du lịch khám phá văn hóa lịch sử Hà Nội.


“Các dịp lễ, Tết hoặc những sự kiện quan trọng nơi đây bà con xung quanh khu phố vẫn đến thắp hương, cầu cho những điều tốt đẹp đến với gia đình. Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền về lịch sử mới mẻ, càng ngày thu hút khách du lịch tìm hiểu sâu nơi đây” – bà Tâm nói.


Ông Lê Hoài Nam - du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết, sau kỳ nghỉ Lễ, ông và gia đình đã có dịp cuối tuần tham quan Thủ đô. Khi đang đi qua phố Hàng Đào đã bị thu hút bởi vẻ cổ kính và yên tĩnh của ngôi nhà giữa lòng phố cổ Hà Nội nhộn nhịp và ồn ào.


“Tôi bị thu hút từ vẻ đẹp cánh cổng của ngôi nhà, khi vào tham quan được đón tiếp chu đáo bởi người quản lý của ngôi nhà và hướng dẫn để biết thêm lịch sử và không gian đầy biến động một ngôi đình cổ vẫn đang được giữ gìn nguyên vẹn tới ngày hôm nay” – ông Nam nói.


Thu hút khách du lịch

Đình Đồng Lạc được Bộ Văn hóa và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 18/02/2004. Để thu hút khách du lịch cũng như người dân tìm hiểu về lịch sử, công nghệ thực tế ảo đang được áp dụng tại đây.


Đại diện ban quản lý đình Đồng Lạc cho biết, hiện nay, khi du khách, người ở nơi xa đến tham quan đình Đồng Lạc được giới thiệu lịch sử qua các mã QR được gắn ở nhiều vị trí khác nhau.


Các mã QR cung cấp cho người dân, du khách chi tiết về di tích qua hình ảnh, giong đọc nhiều ngôn ngữ...(Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị)

Không cần hướng dẫn, người dân, du khách dùng điện thoại quét mã QR gắn trên tường sẽ xuất hiện đường dẫn ra trang web truyền tải về lịch sử, bối cảnh của đình, chi tiết về chiều dài, rộng... với phối cảnh 3D đi kèm với 3 ngôn ngữ (Anh, Việt và Trung).


“Trang web sử dụng công nghệ hình ảnh 360 độ kết hợp với các video, âm thanh và hình ảnh 2D đem đến cho khách du lịch thông tin đầy đủ chi tiết về di tích. Đây là công trình “Số hoá di tích” đang được UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện rộng rãi” – đai diện ban quản lý đình chia sẻ.


Anh William Calum - du khách Úc cho biết, đây là một ứng dụng rất tiện lợi, giúp anh có thêm thông tin về văn hoá, lịch sử về những điểm đang tham quan và tìm hiểu. Khác với lần đầu tiên đến Việt Nam, nhờ có ứng dụng tích hợp thông tin và bản đồ mà anh đã có thể đi tham quan mà không cần đến hướng dẫn viên chỉ đường.


“Sử dụng ứng dụng rất dễ dàng, chỉ cần quét mã QR tại đình được sắp để tại các vị trí mọi người có thể thấy. Vừa nghe thông tin và tham quan trực tiếp di tích khiến tôi thấy rất thú vị khi khám phá nơi đây” – anh William Calum chia sẻ.


Có thể thấy, việc sáng tạo trong công tác quảng bá, mang lại hiệu quả thiết thực đối với người dân và du khách. Thay vì đi theo đoàn và liên hệ trước để có hướng dẫn viên phục vụ khi tham quan, ứng dụng quét mã QR cho phép du khách tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, tiện lợi nhất và bảo đảm tính chính xác. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của các di tích lịch sử tại địa phương.

1 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


Tiêu điểm

bottom of page