top of page
Ảnh của tác giảChau Nguyen

Độc đáo nghề làm mành

Mành tre là nghề truyền thống có từ lâu đời ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Không chỉ tạo nên những sản phẩm độc đáo mà nghề mành tre còn giới thiệu vẻ đẹp về đất nước, con người Việt Nam ra khắp bạn bè thế giới.


Trong xã hội ngày nay, với sự phát triển của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, nghề làm mành dần trở nên mai một và ít được quan tâm. Tuy nhiên, giữa lòng thủ đô Hà Nội, xưởng sản xuất của gia đình ông Nguyễn Trọng Lệ vẫn nỗ lực không ngừng, đan những tấm mành để xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, từ đó góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Ông là Nguyễn Trọng Lệ - một cựu chiến binh thời chống Mỹ và hiện đang là chủ một cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ - đặc biệt là làm mành thủ công. Ông cho biết bản thân đã bén duyên với nghề làm mành được hơn 30 năm.


Ông Lệ bên tác phẩm của mình (Ảnh: Minh Châu)

Xưởng nghề của ông bà Nguyễn Trọng Lệ nằm ngay trước sân nhà thường ngày luôn có khoảng dăm mười công nhân vốn là con cháu trong nhà và họ hàng xóm giềng xung quanh đến làm việc cả bốn người con trai gái dâu rể của ông bà cũng đều nối nghiệp cha mẹ trong cùng xưởng thợ. 


Theo ông Lệ chia sẻ: “Ngày xưa nguyên liệu chính làm mành thì là nứa. Tuy nhiên, đến thời kỳ làm mành mỹ nghệ này, ông lại chọn cây dùng bởi ưu điểm của cây dùng là giống của nó dài, đặc biệt độ dẻo, độ mịn của cây dùng  cao hơn so với cây nứa.”


Máy móc tại xưởng của gia đình ông Lệ (Ảnh: Minh Châu)

Ông Nguyễn Trọng Lệ cũng cho biết mành do gia đình ông sản xuất là hàng thủ công bằng tay cho nên máy móc hầu như không tác động, toàn bộ các công đoạn đều làm thủ công, từ khâu làm nguyên liệu đến khâu dệt. Tuy nhiên, trong quá trình làm mành thủ công ông đã áp dụng công nghệ dệt lụa tơ tằm tinh vi hiện đại  để cải biến công nghệ dệt mành tre cổ lỗ  sơ sài thành sản phẩm được cộng đồng châu Âu ưa chuộng.


Có thể nói ông Nguyễn Trọng Lệ là người đầu tiên và cũng đang là người duy nhất ở Hà Nội đã đem lại vẻ đẹp mới và sức sống mới cho những chiếc nan tre xoàng xĩnh đơn sơ, khiến cho Hà Nội ta có thêm những mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo và đặc sắc. Qua 3, 4 năm thử nghiệm  chế tác và sản xuất các mặt hàng của cơ sở mành tre mỹ nghệ ông Nguyễn Trọng Lệ  đã dần dần giành được vị thế cao trong những cuộc hội chợ, triển lãm quốc gia và quốc tế. 


Ông giới thiệu các tác phẩm (Ảnh: Minh Châu)

Mong ước lớn nhất của gia đình ông bà Nguyễn Trọng Lệ là vươn lên trở thành một doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu trực tiếp mở rộng thị trường khẳng định thương hiệu từ đó có điều kiện tăng cao giá trị ngày công lao động, nâng cao mức sống của người lao động và làm rạng danh quê hương Trung Kính thân yêu. Ngoài ra, ông bà Nguyễn Trọng Lệ cũng mong muốn lưu truyền nghề truyền thống này cho con cháu trong tương lai, để nghề làm mành và di sản văn hóa của Việt Nam được bảo tồn và phát triển.






4 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


Tiêu điểm

bottom of page