top of page
Ảnh của tác giảMỹ Phương Ngô

Nhà cổ Mã Mây - Nơi lưu giữ giá trị văn hóa phố cổ Hà Nội

Đã cập nhật: 10 thg 5, 2024

Nhà cổ Mã Mây là một trong những giá trị di sản còn sót lại tại Thủ đô Hà Nội. Ngôi nhà lọt thỏm giữa các ngôi nhà cao tầng xung quanh, nên nếu không để ý sẽ không thể phát hiện ra. Nhưng khác với bên ngoài nhỏ bé đơn sơ, bên trong căn nhà vô cùng rộng rãi, thoáng đãng, tái hiện lại không gian sinh hoạt của các gia đình thương nhân xưa.


Mặt tiền ngôi nhà cổ (Nguồn: Mỹ Phương)

Qua nhiều thế kỷ, chủ nhân của ngôi nhà đã thay đổi nhiều lần. Vào trước năm 1945, một gia chủ kinh doanh bán gạo đã ở đây, sau năm đó, ngôi nhà được một thương gia người Hoa bán thuốc bắc mua lại để ở và kinh doanh. Sau khi gia đình này di cư vào nam, Nhà nước đã quản lý ngôi nhà cổ này.


Tiếp theo đó, có 5 gia đình được cho phép sinh sống ở đây cho đến năm 1999. Ngôi nhà được bảo tồn với sự hợp tác giữa thành phố Hà Nội và Toulouse – Pháp trong một dự án. Mọi kết cấu, vật liệu xây dựng, kiến trúc, những đồ vật sinh hoạt đều được giữ nguyên. Căn nhà 87 Mã Mây được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch công nhận là Di sản cấp quốc gia vào ngày 16 tháng 2 năm 2004.


Không gian tiếp khách tại nhà cổ (Nguồn: Mỹ Phương)
Kiến trúc và nội thất đặc trưng của nhà xưa Hà Nội

Với diện tích 157,6 m2, ngôi nhà cổ được xây dựng vuông góc với đường phố, chiều dài 28m, chiều rộng 5m, mặt hậu 6m. Ngôi nhà đãtuân theo cách suy nghĩ của người xưa là đất làm nhà nên nở hậu, có ý nghĩa sẽ mang lại phúc lộc cho đến nhiều đời sau.


Tại không gian tầng 1, mỗi lớp nhà cách nhau bởi 1 giếng trời, tạo không gian thoáng đãng và lấy ánh sáng. Mỗi không gian thực hiện đúng chức năng của nó: ngoài mặt tiền để buôn bán, ở giữa là phòng tiếp khách, tiếp đến là phòng ăn, bếp và trong cùng là nhà vệ sinh.


Không gian tầng 2 là phòng ngủ và nơi thờ cúng. Giữa các không gian nhà bày rất nhiều cây cảnh tạo cảm giác thư thái, gần gũi với thiên nhiên.


Không gian bếp của nhà cổ (Nguồn : Mỹ Phương)

Bộ điếu bát, ấm chén uống trà, những cối đá, chạn bát, cái rổ, cái rá bằng tre, bằng nứa hay chiếc quạt cổ cùng nhiều vật dụng trong nhà được lưu giữ và sắp xếp đã tất cả tái hiện lên không gian vô cùng đặc trưng của người Việt, làm tôn thêm vẻ đẹp cổ kính của ngôi nhà, đồng thời khiến du khách như được quay lại quá khứ xa xưa.


Giá trị văn hoá tinh thần tại nhà cổ Mã Mây

Tại đây, nhà cổ cũng thường xuyên mở các hoạt động giao lưu văn hoá, thu hút không những khách trong nước mà còn cả khách du lịch nước ngoài. Một số hoạt động nổi bật như: rước đèn Tết trung thu, nặn tò he vào dịp Tết thiếu nhi,...


“Hằng năm, chúng tôi thường xuyên tổ chức những hoạt động giới thiệu trong không gian của ngôi nhà. Ví dụ: trong thời gian vừa qua thì chúng tôi có tổ chức 1 chương trình nấu bánh chưng trong tết nguyên đán. Trong không gian ngôi nhà, chúng tôi tái hiện lại hình ảnh quây quần của gia đình bên nồi bánh chưng”, Quản lý nhà cổ - anh Hoàng Ngọc Hiếu chia sẻ.


Khách du lịch tham quan gian ngủ tại nhà cổ (Nguồn : Mỹ Phương)

Những ngôi nhà cổ mang nét văn hóa rất đặc trưng và quý giá, ẩn chứa các giá trị cuộc sống và con người nơi đây trong một giai đoạn lịch sử quan trọng, thể hiện sự giao thoa văn hóa Ðông - Tây. Hiện còn rất nhiều ngôi nhà cổ còn tồn tại cho tới ngày nay tại Hà Nội.

2 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


Tiêu điểm

bottom of page