Nằm giữa không gian văn hóa cổ kính làng Chuông, xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội, “làng nón” mang những nét đẹp truyền thống một ngôi làng Việt cổ gắn với nghề làm nón lá nổi tiếng. Từ đây mối năm hàng vạn chiếc nón được làm ra và theo chân khách thăm tới các vùng miền đất nước, góp phần làm đẹp cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, làm giàu thêm kho tàng văn hoá của dân tộc.
Làng Chuông nằm cách trung tâm huyện Thanh Oai 3km, cách trung tâm Hà Nội 30km. Diện tích tự nhiên làng Chuông khoảng 481,44 ha, gồm 8 thôn là Tây Sơn – Chung Chính – Liên Tân – Quang Trung – Mã Kiều – Tân Tiến – Tân Dân 1 và Tân Dân 2. Làng Chuông có hai hướng đi chính từ đê sông Đáy phía Tây ranh giới làng và quốc lộ 21B phía Đông ranh giới làng. Con đê sông Đáy chạy qua làng là tuyến đường dân sinh quan trọng, nơi bà con làm nghề nón lá thường phơi lá lụi loại nguyên liệu chính làm nón. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, xã Phương Trung có điều kiện để phát triển sản xuất hàng hóa, tiếp cận thị trường và công nghệ kỹ thuật tiên tiến để phát triển kinh tế vững bền.
Hầu hết người dân làng Chuông sống bằng nghề làm nón lá, hoạt động làm nông nghiệp không nhiều vì nơi đây đất chật người đông. Theo các bậc cao niên làng Chuông, không ai trong làng biết chiếc nón xuất hiện từ khi nào nhưng trong ca dao xưa đã có câu “Nón Chuông, khua lụa, quai thao làng Đơ”.
Phiên chợ làng Chuông họp vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 (âm lịch) trong tháng. Từ lâu chợ đã trở thành một nếp sống, một nét văn hóa đặc trưng của ngôi làng cổ hàng trăm năm tuổi nổi tiếng với nghề làm nón lá. Tới chợ ta bắt gặp những hình ảnh thân quen về cuộc sống lao động, hay những nhịp sống của một chợ quê vùng Bắc bộ, ẩn mình trong không gian văn hóa thuần Việt.
Chợ phiên lúc 6 giờ sáng kẻ bán, người mua và khách tham quan tấp nập đổ về đã tạo nên khung cảnh tấp nập, những bình dị, gần gũi với cuộc sống, tạo lên sắc thái riêng của chợ quê. Tới chợ nhiều người tìm mua những chiếc nón lá do chính tay người thợ làng Chuông làm ra có chất lượng bền đẹp. Ngoài việc tới chợ mua những chiếc nón lá thành phẩm, người ta còn dễ dàng tìm thấy ở chợ Chuông những vật liệu làm nón như chỉ cuớc, quai lụa, lá làm nón.
Nét độc đáo ở chợ nón, khách thăm có thể trực tiếp xem những công đoạn chế tác ra những chiếc nón nổi tiếng, ngắm những người thợ nón tay thoăn thoắt khâu nón trên những khung dựng nón, cùng đó là sự đôn hậu, nhiệt tình mời chào, đón khách ấm áp gần gũi của người dân làng Chuông.
Sức hút làng Chuông còn hiện hữu bởi không gian kiến trúc thuần Việt cổ kính với cây đa, giếng nước, sân đình, các cổng làng cổ kính hàng trăm năm tuổi còn được chính quyền và nhân dân làng Chuông trân trọng gìn giữ như một vốn văn hoá quý của cha ông lưu truyền lại. Trong đó chợ Chuông là điểm nhấn độc đáo, mỗi phiên chợ, hàng vạn chiếc nón đã theo chân du khách hay các tiểu thương mang đi tiêu thụ khắp cả nước.
Những năm gần đây, trước sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, sau một thời gian gặp khó khăn, chịu sức ép từ các mặt hàng mũ vải, mũ công nghiệp hay thị hiếu người tiêu dùng thay đổi, gây không ít khó khăn tới thị trường tiêu thị nón lá truyền thống của làng Chuông. Tuy nhiên điều đáng mừng, sau khoảng thời gian khó khăn, người dân làng Chuông, nhất là thế hệ trẻ đã năng động, sáng tạo phát triển đa dạng nhiều mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Trước đây, làng Chuông sản xuất các loại nón như: Nón lá ba vòng, nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng. Sản phẩm nón khác như nón thúng (quai thao) có vành rất rộng, hai bên buộc thao dành cho các cụ già đội đi chùa…
Đến nay, bên cạnh mặt hàng nón lá truyền thống, thế hệ trẻ làng Chuông đã làm ra nhiều sản phẩm mới như đồ trang trí từ lá nón, các mặt hàng mỹ nghệ từ nón với nhiều kích cỡ đa dạng, phục vụ nhu cầu trang trí nội ngoại thất. Người dân làng Chuông vừa sản xuất, vừa cung cấp sản phẩm nón để phục vụ những sản phẩm sáng tạo khác, tiêu biểu như nón lụa nhiều màu, lưu niệm (nón các kích cỡ, màu sắc), trang trí nội thất (đèn lồng dạng nón, treo tường ở nhà hàng, quán giải khát, đồ đạc nội thất như bàn trà…) và trang trí đường phố (trang trí cảnh quan các khu phố đi bộ ở Hà Nội).
Ở làng Chuông đã có những doanh nghiệp hàng tháng đã xuất khẩu trên dưới 30 nghìn chiếc nón sang các nước Nhật Bản, Pháp, Nga, Thái-lan, Hàn Quốc... Mức giá nón ờ làng dao động từ 30-50000 đồng/nón, tạo thu nhập ổng định cho người làm. Cùng đó đã có nhiều doanh nghiệp tổ chức đón khách du lịch từ các công ty lữ hành đến làng Chuông để tham quan. Không ít tour du lịch thăm làng nghề kết thúc bằng các lễ ký kết hợp đồng ngay tại làng.
Chị Nguyễn Thị Yến, khách thăm quan đến từ Vũng Tầu cho biết: "Lần đầu đến làng Chuông, tôi có cảm giác rất yên bình và thư thái. Tôi rất vui mừng và thích thú khi thấy cả các em nhỏ ở làng cũng biết khâu nón rất thành thạo. Nón làng Chuông đẹp và chắc chắn. Tôi đã mua về tặng người thân và để giới thiệu với bạn bè về ngôi làng độc đáo này".
Từ nền tảng truyền thống, sự phát triển nghề cổ truyền ở làng Chuông đã góp phần nâng cao đời sống, kinh tế cho các hộ dân làm nón lá, mở ra những hướng đi mới, thích ứng với sự phát triển của đời sống, xã hội trong thời kỳ hội nhập mà vẫn bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của cha ông một cách bền vững.
Comments