top of page
Ảnh của tác giảLoanh quanh Hà Nội

Gìn giữ tinh hoa làng nghề mây tre đan Phú Vinh

Cách trung tâm Hà Nội 27km về phía Tây, làng nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã có hơn 400 năm lịch sử về sản xuất mây tre đan. Làng Phú Vinh đến nay không chỉ gìn giữ tốt truyền thống làng nghề mà còn phát triển rộng rãi danh tiếng ở trong và ngoài nước. Các sản phẩm của làng nghề liên tục được nâng cao tính sáng tạo và nghệ thuật ứng dụng, đem lại chất lượng ngày càng cao.


Theo dòng lịch sử 

Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Trung, Nghệ nhân Ưu tú, Chủ tịch Hội doanh nghiệp mây tre Phú Vinh, chúng tôi được biết: Bộ sản phẩm lâu đời nhất của làng còn lưu giữ đã có từ năm 1712, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế. 


Làng Phú Vinh xưa còn có tên là làng Cò Đậu, nằm ở vùng chiêm trũng. Người dân ở đây sống trên vùng đất mà cứ mưa to là nước lại dồn về gây ngập lụt, làm đồng ruộng tan hoang, mênh mông trong biển nước, không thể thu hoạch được hoa màu.


Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Chung, hiện đang là Chủ tịch Hội doanh nghiệp mây tre Phú Vinh (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Khi đó, trong làng có ông Nguyễn Văn Sôi đã mày mò, chặt cây tre, cây mây mang về đan thành đơm, đó và các dụng cụ đánh bắt cá để sinh sống qua ngày. Lâu dần, nhiều người dân ở các vùng lân cận đã biết và tìm đến mua dụng cụ đánh bắt cá do ông làm. Từ đó, người dân trong làng học theo ông Sôi, cũng sản xuất, chế tác các dụng cụ đánh bắt cá và những sản phẩm mây tre đan phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày. Sau này, ông Nguyễn Văn Sôi được tôn vinh là tổ nghề của làng nghề mây tre đan Phú Vinh.


Đến những năm 1800, tài hoa của người dân làng Phú Vinh được người Trung Quốc biết đến và rất khen ngợi. Họ góp ý với Hương trưởng của làng đổi tên làng từ Cò Đậu thành Phú Hoa Trang với ý nghĩa “trời phú cho dân có bàn tay tài hoa”, vì người dân nơi đây có bàn tay khéo léo, điệu nghệ, giỏi đan lát mây tre. Đến năm 1841, Hương trưởng của làng quyết định đặt lại tên làng là Phú Vinh cho tới nay. 


Cũng như nhiều làng nghề khác, làng Phú Vinh đã từng có thời kỳ suy thoái trầm trọng theo biến đổi của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp, người dân Phú Vinh lúc ấy vừa mang gánh nặng sinh nhai vừa phải lo chiến tranh hỗn loạn trong cảnh mưa bom bão đạn. Nhiều người dân phải bỏ xứ ra đi, có người bỏ nghề tìm việc làm khác. Tuy vậy, để bảo tồn truyền thống lâu đời được ông cha truyền lại, là niềm tự hào của người làng Phú Vinh, nhiều người dân ở làng vẫn kiên định bám trụ với nghề. Năm 1954, sau khi miền Bắc được giải phóng, việc kinh doanh của làng Phú Vinh bắt đầu mở ra với một số thị trường ngoài nước. Một số chuyên gia nước ngoài cũng có mặt ở Phú Vinh để giúp cho làng nghề hồi phục dần dần. Đặc biệt từ năm 1960, nhà nước có chính sách tổ chức xây dựng các làng nghề và các nghề thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nói chung. Hệ thống tổ chức nghề thủ công mỹ nghệ được thành lập từ Trung ương đến địa phương; nhờ vậy làng Phú Vinh có cơ hội phát triển. Từ năm 1964 trở đi, làng Phú Vinh bắt đầu có những hợp đồng mua bán. Sản phẩm của làng được phát triển rộng rãi, tiếp cận được các thị trường các nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ như Tiệp Khắc, Bun-ga-ri, Nga... Từ đó việc kinh doanh của làng nghề Phú Vinh phát triển ngày càng ổn định hơn.


Các sản phẩm từ mây tre đan của làng nghề Phú Vinh hoàn toàn từ thủ công (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Để làm ra những bộ sản phẩm từ mây tre đan có chất lượng, trước tiên phải kỹ lưỡng trong việc lựa chọn, thu mua, xử lý nguyên liệu đầu vào, rồi mới tới các bước phơi sấy và chẻ mây. Chẻ mây là khâu đòi hỏi sự công phu, tay nghề giỏi, cây mây thường có các đốt không đều nhau, vì vậy yêu cầu chủ đạo của việc chẻ mây là các sợi mỗi loại phải thật đều. Hiện nay, kỹ thuật chẻ lẻ khi làm nan sợi tre, mây của người Việt được đánh giá có tính ứng dụng khoa học, sáng tạo cao. Khi chẻ mây tre, người ta phân ra nhiều loại. Loại sợi to thường dùng để đan các sản phẩm thông thường; còn sợi nhỏ dùng để làm những mặt hàng cao cấp, cầu kỳ… Thường sau khi chọn được nguyên liệu tốt, người ta mang chẻ thành các loại nan mỏng dựa theo yêu cầu của sản phẩm. Chẻ xong nan được đem chuốt cho phẳng, bóng và mượt mà hơn, rồi lại đem phơi khô, ngâm nước, tiếp tục mang đi sấy để sợi mây có độ dẻo cao. Về màu sắc của sản phẩm sẽ được xử lý bằng cách đưa tre vào lò, dùng rơm, rạ hoặc lá tre để hun; hoặc sau khi sấy sợi mây, sẽ nhúng vào các chậu lá cây sòi băm nhỏ đã nấu sôi. Đây là cách tạo màu hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất, giúp cho sản phẩm mây tre đan của Phú Vinh không gây hại cho sức khỏe người làm lẫn người sử dụng, với độ bền của màu cao tới hơn 30 năm.


Nâng tầm giá trị làng nghề Việt Nam 

Hiện nay ở Phú Vinh có tới 98% hộ dân làm nghề chuyên nghiệp trên tổng số 2.200 hộ. Sản phẩm của làng đa dạng từ các vật dụng trang trí nhỏ lẻ như miếng lót cốc, bát, đĩa…; tới các vật dụng mang tính ứng dụng cao trong đời sống như giường, tủ, ghế, lồng đèn…; hay thậm chí là các sản phẩm mang tính nghệ thuật như tranh, túi xách làm từ mây, tre… Bình quân mỗi năm làng nghề Phú Vinh sản xuất đạt lợi nhuận từ 100-200 tỷ đồng.


Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Chung, đang tỉ mỉ đan sản phẩm bức tranh “Hồ Hoàn Kiếm”. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Trong thời điểm dịch Covid-19 vừa qua, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, nơi được mệnh danh là “xứ mây” của Hà Nội, là một trong số ít các làng nghề vẫn duy trì sản xuất nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống phát triển. Mặc dù, việc sản xuất, xuất khẩu nói chung bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến kinh tế của người dân là điều không thể tránh khỏi; nhưng với vốn kinh nghiệm thương trường được rèn giũa qua nhiều thời kỳ, người dân Phú Vinh đã không ngừng tìm hướng đi mới, giải pháp hay để vừa được làm nghề, vừa vượt qua đại dịch. Đã có thời điểm khó khăn nhất về kinh tế, làng nghề mây tre đan Phú Vinh suy giảm tới 40% lợi nhuận nhưng đến nay, người làng Phú Vinh đã tiếp tục sản xuất, không ngừng nâng cao tay nghề, xuất khẩu sản phẩm tới tất cả thị trường thế giới, nhanh chóng hồi phục kinh tế và mở rộng thị trường.


Điểm mạnh của sản phẩm mây tre đan là làm từ tự nhiên, thân thiện với môi trường, không chỉ tốt cho sức khỏe người sử dụng mà còn tốt cho cả nhân công chế tác. Hơn nữa, nhiều sản phẩm còn đạt độ bền cao. Sự phát triển sáng tạo trong khâu sản xuất ở Phú Vinh cũng đem lại đa dạng các sản phẩm đưa tới cộng đồng. Bằng việc phát triển phù hợp với trào lưu hạn chế sử dụng đồ nhựa, sắt nhằm bảo vệ môi trường như nhiều nước trên thế giới đang kêu gọi; thì nhu cầu với sản phẩm làm từ mây tre đan lại càng tăng mạnh. Từ việc cung cấp sản phẩm trang trí nội thất đến cả những chiếc làn xách tay, túi xách tay, hộp cơm, kệ đựng đồ, đèn lồng… Đặc biệt, sản phẩm mây tre đan của Việt Nam còn có đặc thù riêng là không mang tính công nghiệp, gần như toàn bộ đều bằng thủ công.


Một số sản phẩm mây tre đan tại phòng trưng bày của Chủ tịch Hội doanh nghiệp mây tre Phú Vinh, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Trung. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung chia sẻ: “Tôi rất muốn nghề mây tre đan là một nghề được phát triển rộng rãi ở Việt Nam. Nếu được tổ chức có hệ thống và quy mô lớn, có thể thu hút mạnh mẽ lực lượng lao động trẻ, tận dụng mọi tiềm năng tự nhiên sẵn có để phát triển bền vững, lâu dài. Hiện nay nghề mây tre đan cũng có nhiều nước trên thế giới làm, nhưng đặc thù của hàng Việt Nam là đường nét, hoa văn, lối đan, các hình thái mang tính văn hóa Việt; cho nên có khác biệt với các nước như Philippines hay Trung Quốc… họ sản xuất đồng loạt, mang tính công nghiệp, không có bản sắc riêng, tính đặc thù vùng miền, cho nên khách nước ngoài không đánh giá cao bằng sản phẩm Việt Nam”.


Ngoài việc mở rộng phát triển kinh tế, đưa sản phẩm hàng hóa của làng nghề Phú Vinh ra thị trường thế giới, người làng Phú Vinh còn rất chú trọng đến thị trường trong nước. Hiện tại, các nghệ nhân làng nghề Phú Vinh đã thành lập nhiều cơ sở dạy nghề cho thế hệ trẻ, tạo ra môi trường học tập và làm nghề, giữ vững truyền thống “cha truyền con nối” của “làng mây” Hà Nội.







60 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Commentaires


Tiêu điểm

bottom of page