Thanh lịch, văn minh đã trở thành đặc trưng, là văn hóa ứng xử ở trình độ cao và có tính chuẩn mực được biểu hiện qua nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội của người Hà Nội xưa và nay.
Lễ nghĩa trong giao tiếp của người Hà Nội
Thăng Long xưa là đầu mối hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, học thuật của cả nước. Thị dân với phần nhiều là những văn nhân, nho sĩ thời xưa đã hình thành nên những chuẩn mực ứng xử tao nhã, chú trọng lễ nghĩa.
Giao tiếp, ứng xử trước hết thể hiện qua lời ăn tiếng nói, đó là chất giọng của người Hà Nội “người thanh tiếng nói cũng thanh”. Bên cạnh đó, người Hà Nội, theo nhận xét của nhiều học giả và nhiều nhà nghiên cứu, cũng luôn thể hiện thái độ tự trọng và tôn trọng người khác; thái độ trung thực, thẳng thắn; lòng nhân ái, bao dung…
Về lễ nghĩa trong giao tiếp ứng xử, nhà văn Vũ Ngọc Phan có viết rằng: “Dân Hà Nội xưa cũng có người đẹp, người xấu, người trang nhã, người thô tục như các nơi khác thời bấy giờ, nhưng người ta nhận thấy trong sự giao tiếp giữa con người với con người, ít khi người Hà Nội xưa có những thói thô bạo, tục tằn”. Qua đó, có thể thấy hình ảnh người Hà Nội trong tâm trí mọi người rất thanh lịch trong cách ứng xử thể hiện ở sự nhẹ nhàng, tế nhị.
Những nét đẹp của văn hóa Hà Nội đã được duy trì từ một nền tảng truyền thống, có chiều sâu phát triển. Đó chính là cốt cách để cho dù có đi nơi đâu, xưng danh người Hà Nội thanh lịch, văn minh vẫn luôn mang đến một niềm tự hào khó đong đếm.
“Nét xưa” còn mãi
Là trung tâm chính trị, kinh tế và giao lưu văn hóa của cả nước, Thăng Long - Hà Nội có điều kiện thuận lợi tiếp thu, tổng hợp nét tinh túy từ mọi miền tổ quốc. Ẩm thực của Hà Nội đã đi vào nhiều tác phẩm văn học như: “Hà Nội 36 phố phường” của Thạch Lam, “Miếng ngon Hà Nội” (1960) của Vũ Bằng…
Ngoài ra, người Hà Nội còn có nhiều loại bún: bún riêu, bún ốc, bún chả, đặc biệt là bún thang. Có ý kiến cho rằng bún thang là đặc trưng cho ẩm thực Hà Nội. Chế biến bát bún rất cầu kỳ, mất thời gian nhưng chế biến xong thì “đẹp như một bức tranh nhiều màu sắc”. Có lẽ họ cho rằng, bún thang là tiêu biểu cho ẩm thực Hà Nội vì nó thể hiện sự cầu kỳ, hình thức trong chế biến món ăn của người Hà Nội. Một món ăn khác của Hà Nội nổi tiếng trong và ngoài nước, đó là phở. Nhà văn Vũ Bằng trong “Miếng ngon Hà Nội” đã gọi phở là “món quà căn bản” của tạo hóa dành cho người Hà Nội hào hoa, thanh lịch.
Trang phục cũng là một khía cạnh biểu hiện quan trọng của văn hoá người Hà Nội. Theo nhận xét của PGS.TS. Võ Quang Trọng, người Hà Nội rất khéo ăn mặc, những gam màu trang nhã được ưa chuộng, cách trang phục luôn thể hiện sự gọn gàng, kín đáo, song không kém phần duyên dáng, lịch lãm, chúng gợi lên một vẻ đẹp sâu lắng và rất độc đáo. Sự giản dị mà không luộm thuộm; gọn gàng mà thoải mái, dễ chịu; trang nhã, đường nét, kiểu cách mà không khoe khoang, phơi bày; sự nền nã, êm dịu, không màu mè, loè loẹt; và sự phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp luôn được đánh giá cao trong các trang phục của người Hà thành
Thăng Long với 61 phường thời Lý - Trần, 36 phố phường thời Lê - Nguyễn và Hà Nội ngày nay là nơi tụ hội các làng nghề từ khắp mọi miền đất nước. Sự phát triển của làng nghề không chỉ có vai trò nâng cao mức sống, mà còn là dấu ấn truyền thống văn hoá dân tộc mỗi thời kỳ dựng nước và giữ nước. Qua thời gian, những phố phường xưa giờ đã đổi thay nhiều, nhưng dù thay đổi thế nào thì Hà Nội vẫn giữ nếp xưa "buôn có bạn, bán có phường", nhiều con phố bên cạnh cái tên hành chính còn có những cái tên phụ mà người Hà Nội quen gọi để nhắc đến nghề đặc trưng của nó như phố: Bún Chả (Hàng Mành, Mai Hắc Đế), phố Cà phê (Hàng Hành), phố Xe máy (Bà Triệu)...Nhu cầu tiêu dùng của người đô thị đòi hỏi những sản phẩm chất lượng tốt khiến những người thợ bộc lộ hết tài năng của mình. Có thể nói, “Hà Nội - phố nghề" là sự hội tụ tài năng, bản sắc văn hoá và từ lâu đã trở thành niềm tự hào của cả nước.
Commentaires