top of page
Ảnh của tác giảPV

Giữ nghề xưa trên phố

Phố cổ Hà Nội mang sắc thái đặc trưng của một khu dân cư với nhiều nghề thủ công truyền thống. Trong đó nghề đông y và buôn bán thuốc nam, thuốc bắc phát triển mạnh mẽ ở phố Lãn Ông.


Nhân kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024) và hướng đến sự kiện UNESCO vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, BQL hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị, cá nhân, tổ chức chuỗi sự kiện tại các điểm di sản và không gian công cộng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; trong đó có tọa đàm “Nghề Đông Y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”.


Con phố thoảng mùi hương thảo dược

Phố Lãn Ông, kéo dài khoảng 180 mét, nằm trên khu vực từng là đất thôn Hậu Đông, tổng Hậu Túc của huyện Thọ Xương cũ, hiện thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm,  Hà Nội.


Cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội, họ đặt tên cho con phố này là “rue de Fou-Kien” (tức “phố Phúc Kiến”), do có nhiều Hoa kiều từ tỉnh Phúc Kiến đến sinh sống. Vào năm 1946, con phố này đã được đổi tên thành Lãn Ông, theo tên một danh y lừng danh của đất Việt.


Cơ sở kinh doanh thuốc y học cổ truyền Nghi Hưng Long của dược sỹ Trần Thị Tuyết Mai. (Ảnh: BTC cung cấp)

Phố Lãn Ông nổi tiếng là nơi tập trung của nghề đông y, buôn bán thuốc nam, thuốc bắc - loại thuốc y học cổ truyền. Phố này chuyên kinh doanh về đông nam dược, với các biển hiệu bằng gỗ, bằng đồng cổ kính ghi tên các nhà thuốc đã tồn tại hàng trăm năm.


Những người đầu tiên làm nghề thuốc ở phố Lãn Ông là một số Hoa Kiều, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến dòng họ “Phó” đến từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Sau đó còn có hàng chục lương y người Việt thành danh trên phố, họ có gốc gác phần lớn là từ những làng nghề làm thuốc có truyền thống như Đa Ngưu, Nghĩa Trai, Ninh Hiệp, Đồng Tâm, hay từ những vùng đất học giỏi như Nhân Chính, Đông Ngạc (Hà Nội), Hành Thiện (Nam Định)… Ngày nay, phố Lãn Ông vẫn sôi động với gần 50 cơ sở kinh doanh thuốc nam và các phòng chẩn trị y học cổ truyền, giữ vững nghề truyền thống giữa lòng Hà Thành. Đi qua con phố này, thoang thoảng một hương vị nồng nàn đặc trưng của các loại thảo dược như nhục quế, đương quy, đại hồi, sa nhân.


Bà Trần Thị Tuyết Mai, 77 tuổi, kinh doanh thuốc đông nam dược tại số 36 Lãn Ông cho biết: Dù có nhiều thăng trầm nhưng nghề đông nam dược vẫn được bà con trong phố gìn giữ và ngày càng phát triển. Cụ Tổ nghề Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sắp được thế giới vinh danh là Danh nhân Y học, là niềm tự hào của tất cả những người làm đông y dược, song cũng là trách nhiệm với tất cả những người làm nghề phải học hỏi, duy trì và phát triển nghề sao cho xứng danh với tiếng thơm đã được hưởng.


Bảo tồn gắn với du lịch

Ngày nay, phố Lãn Ông chiếm gần 90% số hộ đăng ký kinh doanh thuốc y học cổ truyền và Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.


Tái hiện nghề đông y. (Ảnh: Minh An)

Thuốc bày bán được đựng trong những bao giấy, bọc trong những túi ni-lông xếp đầy trước cửa hay treo lủng lẳng phía trên đầu. Người bán hàng đa phần là phụ nữ, họ không dùng cân tiểu ly với cán gỗ, đĩa đồng để cân thuốc lạng như các cụ ngày xưa, mà thay thế vào đó những chiếc cân đồng hồ để chia thuốc. Các cơ sở kinh doanh dược liệu đáp ứng từ vài ba lạng đến hàng cân, thậm chí hàng tạ, hàng tấn theo nhu cầu của khách. Khó mà biết được mỗi ngày bao nhiêu tấn dược liệu được bán cho không chỉ Hà Nội mà còn các địa phương khác trong cả nước phục vụ khám chữa bệnh. Không chỉ là thuốc, vài gói thảo dược tần gà cũng được bày bán giúp cho các bà nội trợ đem hương thuốc đến từng gia đình.


Nghề thuốc đông y ở phố Lãn Ông không chỉ nổi tiếng với các kỹ thuật nghề, các phương pháp điều trị đa dạng, mà giá trị của nghề còn được thể hiện qua các y huấn mà những bậc tiền nhân để lại, như Hải Thượng Lãn Ông với tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người”, tinh thần “học tập suốt đời” cùng y huấn về 8 điều nên làm của một vị lương y là “Nhân – Đức – Lượng – Khiêm – Minh – Trí – Thành – Cần”, hay “Nam dược trị Nam nhân” của Thiền sư Tuệ Tĩnh.


Cùng với chuyên doanh thuốc đông nam dược, các Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền của các lương y luôn tấp nập người đến thăm khám. Hiện nay, con em các lương y hầu hết đều có bằng cấp được đào tạo chuyên ngành bác sỹ, y sỹ y học cổ truyền. Một số lương y cao tuổi hiện còn tham gia khám chữa bệnh y học cổ truyền như lương y Phạm Xuân Nội (số nhà 69 Lãn Ông), lương y Nguyễn Kim Bảng (số nhà 56 Lãn Ông), bác sĩ Tạ Văn Minh (số nhà 55 Lãn Ông)…


Tại buổi Tọa đàm “Nghề Đông Y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Đậu Xuân Cảnh chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển của nghề đông y và đưa ra thực trạng công tác phát triển đông y cũng như phố nghề Lãn Ông. Ông Đậu Xuân Cảnh cũng đề xuất hướng phát triển đáp ứng yêu cầu gắn kết phát triển đông y, phố nghề Lãn Ông với du lịch và bảo tồn di sản văn hóa đông y.


Quan điểm về xu hướng “vừa làm thuốc chữa bệnh, vừa kết hợp với du lịch” nhận được sự quan tâm của nhiều người. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản bày tỏ quan điểm, cần tăng cường loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe bởi nó đem lại nhiều ý nghĩa tích cực và phù hợp với giai đoạn hiện nay.


Song để làm được điều này cần nâng cao chất lượng sản phẩm và kĩ năng chuyên môn của các lương y, cùng với đó là sự hỗ trợ sát sao của các cơ quan, bộ, ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực đông y.



4 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentarios


Tiêu điểm

bottom of page