top of page
Hải Yến

Gen Z liệu có quá yếu đuối?

“Hở tí là chữa lành”, “Sao mà yếu đuối quá”, “Chỉ có ăn với học mà cũng kêu” - Đây là những“lời chỉ trích” mà gen Z - thế hệ bị cho là yếu đuối, dễ tổn thương phải nhận trong thời gian gần đây. Liệu điều đó có đúng?


Ngày nay, các câu hỏi, vấn đề về gen Z đang trở thành một chủ đề nóng bỏng đối với nhiều người. Thế hệ này, gồm những người sinh từ khoảng năm 1997 trở đi, đang dần trở thành một lực lượng to lớn trong xã hội. Tuy nhiên, điều này  đồng thời cũng đặt ra những thắc mắc về khả năng chịu đựng, sức mạnh và tính linh hoạt của họ khi đối mặt với thử thách và áp lực của thế giới hiện đại.


Gen Z - Một thế hệ bị cho là yếu đuối (Ảnh: Internet)

Một số người cho rằng thế hệ gen Z đang trở nên quá nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Họ cho rằng thế hệ này quá sung sướng, được sống trong hòa bình, đủ đầy mà còn kêu trách. Rất nhiều người đem dẫn chứng ra và bảo là do thế hệ này quá rảnh nên mới có nhiều bệnh tâm lý như vậy. Nhưng thực tế khi xã hội càng phát triển thì vấn đề liên quan đến tâm lý con người càng trở nên phức tạp hơn. Mỗi giai đoạn, mỗi sự phát triển của xã hội đều đặt ra những yếu cầu phát triển con người khác nhau.


Trong thời kỳ phong kiến, hay thời bao cấp, cuộc sống khó khăn nên con người dành nhiều thời gian để kiếm sống. Điều đó giúp con người có thêm sức bền và sự chịu đựng gian khó. Nhưng với thế hệ gen Z, được sống trong điều kiện tốt hơn, thì cái họ phải đối mặt là áp lực từ xã hội, gia đình và trường học, cùng với những thách thức về sức khỏe tâm thần.


Bạn Lê Ngọc Chi (21 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Thế hệ bọn mình sống trong thời đại mà mọi thứ đều phát triển và nhanh chóng, vì vậy, hàng ngày mình phải gồng mình để chạy đua nếu không bị tụt lại phía sau, điều đó khiến mình luôn cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi".


Thế giới đang rộng mở, xu thế toàn cầu hóa, gen Z không chỉ so sánh với những người xung quanh mình mà còn phải nhìn rộng ra thế giới, đồng nghĩa với điều đó tầm nhìn của các bạn cũng phải mở rộng để thích nghi với xu thế mới. Và điều đó vô hình trở thành ưu điểm vừa thành nhược điểm tạo cho các bạn áp lực từ học tập, thi cử, vẻ ngoài hay các mối quan hệ xã hội như gia đình, bạn bè. Chính những áp lực này đã làm cho các bạn thế hệ genZ khủng hoảng và phải tìm đến những biện pháp chữa lành. 


Việc coi thế hệ gen Z là yếu đuối có thể là một cái nhìn không công bằng và thiếu khách quan. ThS.Bs. Phạm Thị Quỳnh nhận xét: "Việc gắn mác yếu đuối , nhu nhược hay bất tài cho gen Z là một định kiến sai lầm. Mỗi một thế hệ đều có ưu và nhược điểm riêng của mình. Và tôi cho rằng gen Z là một thế hệ vừa sướng vừa khổ." Hàng ngày, hàng giờ, thế hệ này đang đối mặt với một loạt các thách thức mà các thế hệ trước đó chưa từng gặp phải. Thế giới bên ngoài phát triển hiện đại, song song đó thế giới tâm hồn và tinh thần của người trẻ cũng không còn như xưa. Trên vai họ có rất nhiều gánh nặng vô hình, sự kì vọng của gia đình, sự đánh giá của xã hội và thậm chí là sự hoang mang không biết bản thân là ai, không biết năng lực mình nằm ở đâu.


Vậy thì, liệu gen Z có quá yếu đuối? Chúng ta cần nhìn nhận và tôn trọng cả những điểm mạnh lẫn nhược điểm của mỗi thế hệ, cần nhìn nhận gen Z một cách khách quan và cởi mở, tránh áp đặt những định kiến và kỳ vọng của thế hệ trước. Mỗi con người mỗi thế hệ đều có suy nghĩ khác nhau. Không thể đem thời xưa ra so sánh với thời nay được, bởi nó quá khập khiễng. Thay vì chỉ trách móc, chúng ta nên tạo điều kiện để gen Z phát huy thế mạnh và vượt qua những khó khăn, hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển toàn diện của thế hệ gen Z, giúp họ trở thành những người tự tin và mạnh mẽ, sẵn sàng đối mặt với thế giới hiện đại đầy rẫy những khó khăn và cơ hội này.



30 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


Tiêu điểm

bottom of page