Bằng những sản phẩm độc đáo, các làng nghề Hà Nội đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và đất nước.
Làm gì để gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm làng nghề trên thị trường, Hà Nội Ngày nay đã có cuộc trò chuyện với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường xoay quanh vấn đề này.
- Thưa ông, ông có nhận xét gì về những nét đặc sắc của làng nghề Hà Nội?
- Hà Nội là Thủ đô, trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Và theo tôi, Hà Nội còn là “nôi nghề” của cả nước, nơi tinh hoa bốn phương hội tụ. Hiện thành phố có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước và cũng là nơi có nhiều “tổ nghề” của nhiều làng nghề trong cả nước. Các làng nghề ở Hà Nội đã sản xuất rất nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế, văn hóa. Nhiều sản phẩm làng nghề của Hà Nội có giá trị đặc biệt, được công nhận là bảo vật của quốc gia.
Đặc biệt, từ rất sớm, Hà Nội là nơi hội tụ rất nhiều nghề thủ công truyền thống của cả nước. Ví như, nhắc tới phố Hàng Bạc là nhắc tới nghề chạm bạc. Tương truyền, nghề có lịch sử phát triển từ làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Hay như với làng nghề gốm sứ Bát Tràng, tương truyền do những người dân làng Bồ Bát xưa (nay là hai thôn của xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) tạo nên.
- Là thành phố có nhiều làng nghề nhất cả nước. Vậy theo ông, làng nghề đóng vai trò như thế nào trong bức tranh kinh tế Thủ đô, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn?
- Các làng có nghề phát triển đã tạo nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân. Ở đó, không chỉ người trong độ tuổi lao động có việc mà ngay cả người già, người khuyết tật... cũng có việc làm phù hợp để có thêm thu nhập, phụ giúp gia đình. Hiện Hà Nội có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách địa phương. Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông.
Đó là chưa kể, sự phát triển của làng nghề còn tạo điều kiện kết nối cộng đồng dân cư, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu truyền tinh hoa nghệ thuật từ đời này sang đời khác... Làng nghề Hà Nội sử dụng nguyên liệu từ nhiều nơi trên cả nước, làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của những địa phương có liên kết vùng với Hà Nội.
- Làng nghề phát triển có sự đóng góp to lớn của đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi. Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của đội ngũ này trong việc “giữ lửa” nghề?
- Nghệ nhân là người “giữ lửa” cho nghề truyền thống. Đây cũng là những người thợ giỏi, những người thầy để lớp kế cận có thể học hỏi và nối tiếp truyền thống, bản sắc văn hóa của các làng nghề.
Hà Nội hiện có 303 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng các danh hiệu, bao gồm 47 nghệ nhân nữ và 256 nghệ nhân nam. Trong số này, có 13 Nghệ nhân Nhân dân và 42 Nghệ nhân Ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu; có 248 nghệ nhân Hà Nội được Chủ tịch UBND thành phố phong tặng. Riêng năm 2023, Thành phố đang xét 46 hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội và đã trình Trung ương 38 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú. Đây đều là những “đầu tàu” gìn giữ những bản sắc, nét văn hóa truyền thống của các làng nghề và hồn cốt truyền thống văn hóa người Việt.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố. Thời gian qua, Sở đã triển khai giải pháp gì để hỗ trợ phát triển nghề, thưa ông?
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thường xuyên phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về làng nghề, ngành nghề nông thôn; gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề; nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề.
Thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức các hội chợ, hội thi, lễ hội, tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế để tôn vinh sản phẩm làng nghề. Hà Nội cũng tạo sân chơi và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của làng nghề. Mới đây, tại sự kiện khai mạc Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam (diễn ra tại Hà Nội), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố Hà Nội đã trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho 45 tác phẩm xuất sắc. Đặc biệt, 5 giải A đều thuộc về các tác phẩm, tác giả Hà Nội.
- Du lịch làng nghề có phải là một trong những giải pháp mà Hà Nội đang triển khai để khai thác hiệu quả kinh tế và lan tỏa nét đẹp của làng nghề truyền thống, thưa ông?
- Phát triển du lịch giúp giải quyết tốt bài toán đầu ra cho sản phẩm làng nghề, xuất khẩu trực tiếp, cũng như quảng bá nét đẹp văn hóa các làng nghề của Hà Nội. Thời gian qua, một số làng nghề đã thực hiện khá tốt việc gắn sản xuất với du lịch, như làng nghề gốm Bát Tràng, nghề dệt lụa ở Vạn Phúc, nghề mây tre giang đan ở Phú Vinh... cùng những làng hoa, cây cảnh nổi tiếng như Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Mê Linh...
Cụ thể, làng nghề Bát Tràng đã không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm, hướng tới trở thành làng nghề kiểu mẫu của Thủ đô. Bát Tràng hiện là một trong hai điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của huyện Gia Lâm. Đối với làng lụa Vạn Phúc, để phát triển du lịch làng nghề bền vững, quảng bá sản phẩm, phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất chủ động học hỏi, tiếp cận với công nghệ thông tin để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đến với khách hàng trong và ngoài nước.
- Với những giá trị vô cùng to lớn cả về kinh tế và văn hóa, việc định vị và lan tỏa giá trị của làng nghề Hà Nội được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, Hà Nội đã, đang và sẽ thể hiện rõ vai trò “đầu tàu” trong việc hỗ trợ các tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề trên thị trường Thủ đô, tạo động lực để chương trình này phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Mặt khác, Hà Nội được kỳ vọng là địa phương đi đầu trong công cuộc xây dựng và phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Nếu biết khai thác đúng cách, hệ thống làng nghề - phố nghề không chỉ hình thành các hệ giá trị văn hóa, mà còn tạo hành lang phát triển văn hóa, du lịch, lan tỏa văn hóa truyền thống của Thủ đô văn hiến.
- Theo ông, Hà Nội cần làm gì để tạo không gian phát triển mới cho làng nghề?
- Theo tôi, ngoài việc phát triển sản phẩm kết nối với các quốc gia và vùng lãnh thổ, Hà Nội còn phấn đấu trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên thế giới; là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong nước và quốc tế. Thời gian tới, Thành phố sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị của Trung ương và các tổ chức trong nước, quốc tế để thực hiện hiệu quả chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề. Mục tiêu là nâng cao nhận thức và hành động đổi mới sáng tạo, đổi mới hình thức mẫu mã... để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa giữ được bản sắc, hồn cốt của quê hương, vừa có bước cải tiến mang tính đột phá phù hợp xu thế hiện đại, khẳng định vị thế của sản phẩm làng nghề Hà Nội.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Comments