top of page
Hải Yến

Vấn nạn bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội của giới trẻ

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển vượt bậc như hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Điều này đã tạo ra một vấn đề mới của xã hội - vấn nạn bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội.


Mạng xã hội - Không gian ảo ẩn chứa những mối nguy

Mạng xã hội - nơi kết nối con người, chia sẻ thông tin và giải trí, dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó đáng lo ngại nhất là vấn nạn bạo lực ngôn từ.


Bạo lực ngôn từ khắp nơi (Ảnh chụp màn hình)

Bạo lực ngôn từ (verbal abuse) là hành vi sử dụng ngôn từ hoặc lời nói quá giới hạn, thể hiện khi nói hoặc viết nhằm đe dọa, xúc phạm, hạ thấp giá trị của người khác. Hành động này vô tình gây tổn hại sâu sắc về mặt tâm lý của người tiếp nhận.


Bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội thể hiện qua những bình luận, tin nhắn, hình ảnh, video mang tính xúc phạm, chửi bới, đe dọa, miệt thị, tấn công cá nhân,... nhằm vào bất kỳ ai, từ người nổi tiếng, chính trị gia, cho đến những người bình thường.


Những lời nói mất kiểm soát (Ảnh: Internet)

Không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý của người sử dụng mà bạo lực ngôn từ còn góp phần làm đảo lộn giá trị đạo đức trong xã hội. Một số trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter,.... trở thành nơi mà các bạn trẻ thể hiện thái độ, hành vi không tôn trọng, thỉnh thoảng thậm chí là tục tĩu, lạm dụng ngôn ngữ khiến cho người khác cảm thấy khó chịu hoặc bị tổn thương tinh thần. 


Thói quen này không chỉ làm mất đi phẩm chất của người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến môi trường xã hội, tạo ra sự chia rẽ, mất lòng tin và tư cách trong giao tiếp xã hội.


Vì đâu nên nỗi? 

Khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) cho thấy 78% người dùng mạng tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội; 61,7% người dùng mạng xã hội từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của trò nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và 46,6% từng bị vu khống, bịa đặt thông tin. Đặc biệt, đối tượng và nạn nhân của vấn đề này ngày càng trẻ hóa.


Bạo lực ngôn từ - Vấn nạn cần được loại bỏ (Ảnh: Internet)

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội. Một trong những yếu tố chính là sự ảnh hưởng của bối cảnh mạng xã hội, nơi mà con người dễ dàng che giấu danh tính và hành vi của mình. Do đó, nhiều bạn trẻ sử dụng ngôn ngữ bạo lực để thể hiện bản thân, thu hút sự chú ý hoặc giải tỏa cảm xúc tiêu cực mà không cần quan tâm đến hậu quả, tạo điều kiện cho sự phát tán tự do của lời lẽ thô tục và bạo lực.


Tiếp đến là vấn đề nhận thức và giáo dục còn nhiều hạn chế và bất cập. Nhiều bạn trẻ tiếp xúc mạng xã hội từ rất sớm mà chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về đạo đức, lối sống, thiếu kỹ năng giao tiếp và ứng xử trên mạng xã hội. Đồng thời, việc giảng dạy, tuyên truyền về các vấn đề trên mạng xã hội chưa thực sự được quan tâm hoặc không thực sự tạo ra ý thức cho giới trẻ trong việc sử dụng mạng xã hội một cách tích cực và bảo vệ bản thân khỏi những hành vi tồi tệ. 


Bên cạnh đó, các chính sách quản lý sử dụng và giới hạn độ tuổi  của các nền tảng mạng xã hội chưa thực sự hiệu quả. Mạng xã hội là một môi trường ảo và đầy phức tạp. Tuy nhiên khâu đăng ký và các chính sách quản lý  của nó lại quá lỏng lẻo. Chỉ với vài thao tác đơn giản, dù chưa đủ tuổi cũng có thể đăng nhập và sử dụng một cách dễ dàng.  Từ đấy dẫn đến việc khó kiểm soát được các mặt tiêu cực, trong đó có vấn đề bạo lực ngôn từ.  


Ngoài ra, đây cũng là một dạng “biến tướng” của tự do ngôn luận. Ỷ lại việc được ẩn danh và mang suy nghĩ mình chỉ nêu ý kiến riêng  mà nhiều người “tự do ngôn luận” quá đà và sử dụng mạng xã hội thiếu văn minh. Vì lẽ đó mà nhiều bạn trẻ  sẵn sàng đem một cá nhân ra bình phẩm, chê cười, dèm pha thậm chí là miệt thị ngoại hình(body shaming). Không những vậy, nhiều thành phần còn “a dua” tham gia “ném đá công khai” mà không cần biết lý do hoặc bản chất vấn đề vì cho rằng “đây là quyền tự do ngôn luận của mình”. 


Lời giải cho “bài toán” khó

Bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội không chỉ gây tổn thương tinh thần cho nạn nhân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức xã hội, đặc biệt là đối với giới trẻ. Nó góp phần làm cho môi trường mạng trở nên độc hại, thiếu văn minh, lan truyền những giá trị tiêu cực và ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của xã hội. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần có những biện pháp cụ thể, hiệu quả: 


Thứ nhất, gia đình và xã hội cần phối hợp chặt chẽ để giáo dục cho thế hệ trẻ về đạo đức, lối sống, kỹ năng giao tiếp và ứng xử trên mạng xã hội.


Thứ hai, các bộ ban ngành có liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của bạo lực ngôn từ.


Thứ ba, các cơ quan chức năng cần có những quy định pháp luật cụ thể để xử lý các hành vi vi phạm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động trên mạng xã hội để ngăn chặn và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng, đảm bảo môi trường mạng lành mạnh, tích cực.


Cuối cùng, mỗi người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ cần nâng cao ý thức trách nhiệm, sử dụng ngôn ngữ văn minh, lịch sự, tôn trọng người khác và tránh sử dụng bạo lực ngôn từ trong bất kỳ trường hợp nào.


“Ngày nay khi công nghệ mạng mọi thứ phát triển hơn, người ta vô tình trở thành kẻ sát nhân ẩn mình sau màn hình và làm tổn thương người khác. Không cần thượng cẳng chân hạ cẳng tay mà họ chỉ cần dùng ngôn ngữ để lăng mạ tổn thương ai đó. Và vết thương nỗi đau mà ngôn từ kém duyên ấy mang lại thì đau hơn cả đòn roi. Dù ngôn ngữ vô tình hay cố ý mà thành bạo lực làm tổn thương người khác thì đều đáng phê phán.” - Chị Nguyễn Hiểu Linh (Diễn giả, giảng viên trung tâm Kỹ năng sống SVN) chia sẻ. 





22 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentarios


Tiêu điểm

bottom of page