top of page
Vũ Thị Ánh

Quy định trang phục, giải pháp giúp bảo vệ nữ sinh khỏi Slut-shaming?

Nhiều sinh viên cho rằng quy định về trang phục giảng đường làm hạn chế tự do cá nhân. Nhưng trong nhiều trường hợp, những quy định “khắt khe” này chính là sự bảo vệ dành cho sinh viên.


“Slut - shaming” là gì?
Ảnh minh họa Slut-shaming (Ảnh: Internet)

“Slut-shaming” (tạm dịch: sự miệt thị hư hỏng) là hành vi cố tình làm mất uy tín của một người thông qua việc gắn kết hành vi của người này với biểu hiện lệch lạc về đạo đức liên quan đến chuẩn mực giới tính và chuẩn mực tình dục. Dù đã tồn tại từ lâu, thuật ngữ “Slut-shaming” mới chính thức được biết đến vào năm 2011, khi một cảnh sát ở Toronto (Canada) tuyên bố rằng để tránh tình trạng xâm hại tình dục đối với phụ nữ thì họ “không nên ăn mặc như gái điếm”. Một phong trào xã hội mang tên SlutWalk đã nổ ra để phản đối quan điểm này của cảnh sát.


“Slut - shaming” ở Việt Nam tồn tại trong cuộc sống hằng ngày của chúng mà ít khi được nhận ra, điển hình là các cô gái thường bị những người hàng xóm bàn tán về việc họ ăn mặc “hở hang”. Chính sự miệt thị, phân biệt đối xử với những người có hành vi và lựa chọn khác biệt so với chuẩn mực chung được xã hội chấp thuận đã khiến không ít phụ nữ cảm thấy xấu hổ về chính mình, bị cô lập và mất dần uy tín cá nhân.


Khi trang phục trở thành công cụ để miệt thị

Ngày nay, trang phục không đơn thuần là để che thân, mà đó còn là phương tiện thể hiện gu thẩm mỹ và phong cách cá nhân. Mỗi người đều có quyền tự do lựa chọn phong cách trang phục mà họ cảm thấy thoải mái và tự tin. Ở môi trường giảng đường hiện đại ngày nay, hình ảnh sinh viên thoải mái thể hiện cá tính của bản thân trong những bộ cánh cắt xẻ táo bạo đã không còn xa lạ.


Ảnh minh họa những ý kiến trái chiều về trang phục (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, đôi khi điều này cũng gây ra những ý kiến tiêu cực khi sở thích trang phục của một cá nhân nào đó bị nhận xét là không phù hợp với tiêu chuẩn xã hội hoặc yêu cầu ngữ cảnh cụ thể. Chính sự thoải mái trong vấn đề đồng phục tới giảng đường đã khiến cho không ít nữ sinh khi mặc trang phục thể hiện đường cong cơ thể thì lại nhận về những sự chỉ trích là lả lơi, khiêu gợi.


Bạn T, sinh viên trường F chia sẻ: “Trang phục phù hợp với cá tính bản thân mình nhưng chưa chắc đã phù hợp với cá tính của người khác. Mình đã từng là nạn nhân của slut-shaming. Câu chuyện bắt nguồn từ việc mình mặc một chiếc váy ngắn khi tới trường, và bị đám bạn nam buông những lời xúc phạm mình, thậm chí có bạn còn có hành vi sàm sỡ mình. Không những thế, khi mình phản kháng lại hành động thô tục đấy, còn có người bảo rằng: Ăn mặc hở hang là khiêu khích người ta nên bị vậy là đúng rồi”.


Quy định chung về trang phục của sinh viên nữ khi đến trường

Bắt nguồn từ những vấn đề tiêu cực trang phục học đường của sinh viên, đồng thời nhằm nâng cao ý thức của sinh viên về việc giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa học đường, hiện nay các trường đại học đã bắt đầu đưa ra những quy định “khắt khe” hơn về trang phục của sinh viên khi tới trường.


Ví dụ điển hình như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mới đây đã ban Quy định về Văn hóa học đường và quy tắc ứng xử văn hóa của sinh viên. Cụ thể ở điều 4, quy định về trang phục, người học đến trường để học tập phải mặc trang phục gọn gàng, lịch sự, kín đáo, phù hợp với thuần phong mỹ tục và môi trường học đường không mặc trang phục hở hang, phản cảm. Đối với nữ giới, không mặc áo rộng cổ, hở lưng, quần short, váy quá ngắn, váy xẻ cao hoặc quá mỏng.


Quy định văn hóa học đường của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh: Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Sự bảo vệ thầm lặng dành cho sinh viên nữ

Việc mặc đồng phục đi học không chỉ là việc tuân thủ quy định của trường, mà còn mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho sinh viên. Quy định về trang phục giúp duy trì sự ổn định về văn hóa và tạo ra một môi trường công bằng cho tất cả sinh viên. Đồng phục giảng đường là một trong những công cụ giúp xóa nhòa đi khoảng cách giữa các bạn học.


Bạn Nguyễn Thị Thanh Bình, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Theo mình, quy định về trang phục của sinh viên khi đến trường là cần thiết. Vì đó là cách nhà trường giúp cho sinh viên tự bảo vệ chính mình khỏi sự nguy hiểm của các hành vi quấy rối và những lời nói miệt thị”.


Chúng ta, ai cũng muốn mình đẹp trong mắt của người khác, luôn muốn tạo ra sự thu hút của mọi người xung quanh nhờ những bộ trang phục mình mang trên người. Tuy nhiên, sự thoải mái trong quy định về trang phục khi đến trường còn như con dao hai lưỡi. Tự do ăn mặc có thể khiến bạn vô tình trở thành nạn nhân của slut shaming. Điều này gây ra rất nhiều những hậu quả nghiêm trọng như: ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cơ thể, sức khỏe tinh thần và các mối quan hệ xung quanh bạn.


Vì vậy, có thể thấy những quy định trang phục đề ra tại các trường đại học, không chỉ giữ nét đẹp học đường mà còn đang là một sự bảo vệ thầm lặng dành cho sinh viên, đặc biệt là các bạn nữ.

106 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


Tiêu điểm

bottom of page