Làng Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) là một trong 7 điểm du lịch làng nghề của Thủ đô với nghề chính làm sơn mài. Trải qua hàng trăm năm, những người thợ sơn mài đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo để làm ra những sản phẩm mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đồng thời, họ gìn giữ, phát huy giá trị nghề truyền thống mà cha ông để lại.
Nét đẹp từ làn nghề sơn mài
Sản phẩm sơn mài phản ánh quá trình lao động miệt mài, tỉ mỉ, chứa đựng nét tài hoa của những người thợ, toát lên vẻ đẹp lộng lẫy, óng ánh của các họa tiết mang đậm tính nghệ thuật tinh tế, kiêu sa, duyên dáng. Để ra đời một sản phẩm, người thợ phải thực hiện hoàn toàn thủ công, với nhiều công đoạn tỉ mỉ và tốn rất nhiều thời gian, có khi cả tháng mới xong một sản phẩm.
Làng nghề sơn mài Hạ Thái tiền thân là phường sơn son thếp vàng Cự Tràng có từ khoảng thế kỷ XVII. Lúc đó, làng mới chỉ có nghề sơn đồ nét, được trọng dụng vì nhiều nghệ nhân tài hoa, khéo léo. Chính vì chuyên nghề gia công đồ cho vua quan lúc bấy giờ nên người ta gọi nơi đây là làng nghề "dâng vua".
Những năm 30 của thế kỷ trước, phường sơn son thếp vàng Hạ Thái có nhiều đổi thay lớn trong quá trình giao lưu cải biến văn hóa Đông - Tây. Những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi, phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre… Đặc biệt là đưa thêm kỹ thuật mài để tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài xuất hiện từ đó.
Cũng trong giai đoạn này, cụ Đinh Văn Thành - giảng viên trường Mỹ thuật Đông Dương, là người làng Hạ Thái - đã đưa nghề sơn mài về truyền dạy cho người dân trong làng và đưa những tác phẩm của làng sang triển lãm tại Pháp. Nhờ vậy, nghề sơn mài tuy ra đời muộn hơn các nghề cổ truyền khác nhưng nó đã nâng nghề sơn lên thành nghệ thuật bởi sự công phu, tài hoa trong quá trình sáng tạo để làm nên sản phẩm.
Khi mới ra đời, sơn mài chỉ có 3 mầu: Sơn then (màu đen), sơn son (màu đỏ) và sơn cánh gián (màu vàng nâu). Nhờ quá trình tìm tòi sáng tạo, các nghệ nhân làng Hạ Thái đã phát hiện ra nhiều màu mới với nhiều sắc độ khác nhau, lộng lẫy mà đằm thắm, ẩn hiện lớp lớp tầng tầng. Mầu dưới nâng mầu trên, lại tiếp những lớp bột vàng, bột bạc được rắc phủ đậm, nhạt tạo nên những sắc mầu tươi tắn, dày dặn và sống động.
Theo những người thợ sơn Hạ Thái, mỗi sản phẩm sơn mài, dù chỉ bé nhỏ như chiếc chén, bát, lọ hoa hay “tầm cỡ” như bức tranh, quyển album đều đòi hỏi sự công phu, cầu kỳ, tỉ mỉ, điêu luyện trong từng khâu, từng công đoạn. Để khi ngắm một sản phẩm được hoàn thành, người xem cảm nhận sự óng ánh của màu sắc đến độ lộng lẫy, kiêu sa; Sự tinh tế, duyên dáng của họa tiết và cảm nhận được công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn của người thợ làm ra sản phẩm. Chính điều này đã tạo nên thương hiệu sơn mài Hạ Thái vang xa trên thị trường trong và ngoài nước, đem lại cho cuộc sống người dân nơi đây sự phồn hoa ít nơi nào có được.
Qua bàn tay khéo léo của người thợ tài hoa, vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước ta được tái hiện một cách sinh động, hấp dẫn mà vẫn giữ được nét duyên dáng, đằm thắm của làng quê Việt Nam. Các sản phẩm sơn mài với những hình dáng thanh thoát, những mẫu vẽ đậm đà sắc thái dân tộc như: Bến nước cây đa, con đò lá trúc, Chùa Một Cột, phố cổ Hà Nội... đặc biệt được du khách ưa chuộng.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái cho biết: “Sự khác biệt lớn nhất của làng nghề sơn mài Hạ Thái đó là mọi sản phẩm đều lấy cảm hứng từ thiên nhiên, nguyên liệu rất đơn giản, mộc mạc để tạo ra những sản phẩm phong phú”.
Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, người Hạ Thái còn tạo ra nhiều mẫu sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước như bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh khảm...
Bảo tồn và phát triển làng nghề
Ngoài ra, bên cạnh vật liệu như gỗ, giấy đã được dùng lâu năm làm cốt tạo hình thì những năm gần đây, các vật liệu như: Tre, nứa ghép, composite, gốm được sử dụng phổ biến để tạo hình dáng phức tạp và lạ mắt, độc đáo hơn cho sản phẩm. Ngoài việc kế thừa kinh nghiệm truyền thống cha ông để lại, trong quá trình làm nghề, những nghệ nhân trong làng phát hiện ra nhiều màu mới với nhiều sắc độ khác nhau.
Hiện nay, sơn mài ở làng Hạ Thái sử dụng nguyên liệu là sơn Nhật. Loại sơn này được dùng khá phổ biến. Sơn ta có hạn chế là dễ gây tác dụng phụ cho người làm (bị "sơn ăn" dẫn đến sưng phù mặt, lở đầu ngón tay). Ngoài ra, khi dùng sơn ta, chất lượng của tranh lại phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, khi thời tiết ẩm thì sơn nhanh khô, nếu thời tiết khô ráo thì sơn rất lâu khô.
Khi sử dụng sơn Nhật, để tranh được bóng, người ta thường dùng một lớp sơn trong (sơn cánh gián) phủ ra bên ngoài tranh, còn nếu tranh sơn mài dùng sơn ta, chỉ cần lấy nắm tóc rối xoa lên tranh, hoặc dùng bàn tay ẩm (có ít mồ hôi) xoa lên tranh đã rất bóng rồi. Nhờ đặc tính độc đáo đó mà tranh sơn mài dùng sơn ta vẫn được ưa chuộng hơn vì sự công phu trong quá trình làm tranh và khi ngắm, bức tranh có độ sâu hơn, có hồn hơn.
Mặt khác, các sản phẩm làm ra đòi hỏi nhiều kiểu dáng mẫu mã mới nên làng nghề đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào việc pha chế, thay đổi công đoạn phủ sơn, tạo cho sản phẩm độ bóng, bền và đẹp. Mỗi sản phẩm cần phải tráng từ 15-16 lớp sơn, ít cũng 10 lớp mới đảm bảo được độ bóng và bền của sản phẩm.
Hiện nay, làng nghề sơn mài Hạ Thái đã có nhiều sự thay đổi về mẫu mã sản phẩm của mình. Nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng hơn như lọ hoa, chén bát, hộp, khay... được làm sơn mài với nhiều mẫu mã đa dạng và bắt mắt. Kỹ thuật sơn mài giờ không chỉ còn được ứng dụng để sản xuất tranh sơn mài, hoành phi hay câu đối , mà còn được cải tiến để sản xuất các mặt hàng nội thất cao cấp như bàn ghế, giường tủ…
Gốm sơn mài hiện là mặt hàng được ưa chuộng tại nhiều nước. Điều này đã giúp cho sản phẩm sơn mài của làng có tính cạnh tranh cao hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái được trưng bày ở những hội chợ thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước, rất được ưa chuộng tại một số nước trên thế giới, như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Châu Âu.
Những năm qua, trăn trở và tiếc nuối trước nguy cơ mai một của sơn mài truyền thống, ông Vũ Huy Mến - nghệ nhân làng Hạ Thái vẫn cố gắng gìn giữ dòng sản phẩm sơn mài truyền thống của các bậc tiền nhân để lại. Với ông, khôi phục lại sơn mài truyền thống cũng chính là bảo tồn bản sắc văn hóa.
Là thành viên Hội sơn mài Hạ Thái, ông Mến được giao nhiệm vụ bảo tồn, truyền thụ dòng sản phẩm sơn mài truyền thống độc đáo của làng lại cho lớp trẻ. Song ông luôn canh cánh một nỗi âu lo: Có thầy mà chưa tìm đâu ra trò… Những người thợ trẻ trong làng cũng đã ở vào độ tuổi trên dưới 40.
Từ năm 1997-1998 trở lại đây, khách hàng cũng như khách du lịch nước ngoài đến với làng Hạ Thái ngày một nhiều. Thậm chí, nhiều khách hàng nước ngoài còn đưa cả người thân đến thăm quan làng nghề, giới thiệu cho con cháu họ về nghề sơn mài. Với họ, Hạ Thái không chỉ còn là nơi để họ làm ăn, mà còn là nơi để họ tìm hiểu về một nét văn hóa đặc trưng của một dân tộc.
Bà Trần Thị Mai, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Thường Tín cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã công nhận làng nghề sơn mài Hạ Thái là điểm du lịch làng nghề của thành phố. Huyện Thường Tín cũng đã hoàn thành hệ thống tư liệu video và ảnh bằng công nghệ hiện đại về tiềm năng du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tích cực tuyên truyền, quảng bá về đất danh hương, đất làng nghề. Đồng thời, huyện tổ chức đưa các doanh nghiệp du lịch về khảo sát dịch vụ nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch, trong đó có điểm nhấn là làng nghề sơn mài Hạ Thái.
Comments