top of page
Ảnh của tác giảPV

Làng Đào Xá - nơi lưu giữ thanh âm dân tộc

Dù không được học qua bất kỳ trường lớp nghệ thuật nào nhưng những người nông dân ở thôn Đào Xá (Đông Lỗ, Ứng Hòa, Hà Nội) đã và đang cho ra đời hàng triệu cây đàn dân tộc. Bằng tài năng, kỹ thuật bí truyền, họ đã lưu giữ được nghề làm đàn suốt hơn 200 năm qua.


Đúc kết qua nhiều đời

Vốn là người ít nói nhưng khi nhắc đến nghề làm đàn của làng mình, đôi mắt ông Đào Anh Tuấn (sinh năm 1968) như sáng lên. Ông Tuấn được người ta biết đến là người cuối cùng của làng nghề làm đàn dân tộc ở Đào Xá, vốn có lịch sử hơn 200 năm. Vừa cưa dọc chiếc đũa nhựa để trang trí cho cây đàn tam thập lục sắp hoàn thiện, ông Tuấn vừa kể lại cho chúng tôi nghe về lịch sử của ngôi làng độc đáo này.


Cụ Đào Xuân Soạn là nghệ nhân ưu tú duy nhất của làng Đào Xá (Ảnh: Báo Công an Nhân dân)

Cách đây hơn 200 năm, cụ Đào Xuân Lan, vốn là thợ mộc đóng đồ cho các gia đình người Pháp nhưng lại rất say mê sửa chữa và làm ra các cây đàn. Bởi niềm đam mê đó mà cụ Lan đã không ngại đi khắp nơi, rong ruổi nhiều năm theo người Hoa để học cách làm ra các loại đàn khác nhau. Sau nhiều năm bôn ba học nghề, cụ về làng truyền dạy cho các con cháu trong gia đình để có việc làm, kiếm thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Sau này, nghề làm đàn dần lan ra khắp làng Đào Xá, bởi vậy, ngày nay, người ta tôn cụ Đào Xuân Lan là tổ nghề.


Và từ đó, người Đào Xá đi khắp nơi, làm việc ở hầu hết các cơ sở sản xuất nhạc cụ dân tộc của cả nước. Thậm chí, từ thế kỷ XIX, những người thợ tài hoa của Đào Xá đã đưa gia đình vào nội thành Hà Nội để lập phường nghề. Nay, các cửa hiệu bán đàn khu vực quanh Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chủ yếu là người Đào Xá. Kể cả xưởng nhạc cụ Quốc dân ở Thanh Hóa cũng là người làng này, đi xa hơn nữa khi người làng này di cư, thì Hồ Thị Ngà, Lê Thị Hồng Gấm ở phương Nam cũng là của người làng này. Từ Nam Định, Thanh Hóa đến đất Sài Gòn cũng là người làng Đào Xá.


Chỉ với những công cụ thô sơ, như cái cưa, đục, đào và nguyên liệu gỗ, dây đàn, người thợ Đào Xá đã cho ra đời hàng triệu nhạc cụ như đàn nguyệt, đàn đáy, đàn bầu, đàn thập lục, đàn tỳ bà, đàn tranh… Theo những người dân trong làng, các sản phẩm của làng Đào Xá khi đưa ra thị trường mặc dù không dán thương hiệu, nhưng đàn Đào Xá không thể lẫn với các loại đàn sản xuất kiểu công nghiệp khác.


Ông Tuấn hiện được biết đến là người cuối cùng của làng nghề làm đàn dân tộc Đào Xá có lịch sử hơn 200 năm (Ảnh: Báo Công an Nhân dân)

Ông Tuấn bảo, chỉ cần nhìn vào dáng đàn là người ta biết đây là đàn của làng Đào Xá, thậm chí còn biết do người thợ nào làm ra. “Đàn ở làng tôi làm bằng phương pháp thủ công và có đặc trưng riêng, khi nhìn, nghe và sờ vào đàn là có thể nhận biết được. Âm thanh đàn Đào Xá cũng khác biệt, người miền Bắc thiên về chèo văn âm thanh sẽ trầm để phù hợp với giọng ca người Bắc, còn người miền Nam thiên về cải lương nên âm thanh của đàn thanh thoát, trong trẻo”, ông Tuấn chia sẻ.


Để chế tạo ra được cây đàn tốt, khó nhất là tìm và chọn nguyên liệu. Theo quan niệm xưa “thành trắc mặt vông” cho nên gỗ tốt nhất nên là gỗ trắc, gỗ vông (có nơi gọi là cây ngô đồng). Đặc biệt, gỗ phải để khoảng 2 năm cho đủ khô mới đưa vào làm đàn. Không chỉ gỗ, nhiều loại đàn cần phải dùng da trăn để chế tạo. Không chỉ chọn gỗ làm đàn mới quan trọng mà phần việc đòi hỏi sự tỉ mẩn và chuẩn xác nhất chính là việc căng dây và gắn phím. Do đó, để làm ra một cây đàn tốn khá nhiều thời gian và công sức.


“Thực ra bất kể loại gỗ nào cũng có thể làm đàn, nhưng gỗ tốt như gỗ trắc, gỗ cẩm, gỗ mun thì sẽ làm ra những cây đàn tốt hơn và giá thành cao hơn. Ví dụ như một cây đàn tranh nếu làm bằng loại gỗ tốt, giá có thể lên tới chục triệu đồng, gỗ thường chỉ vài triệu đồng. Muốn loại âm thanh nào thì chọn loại gỗ đó, ví dụ muốn âm thanh trầm (tiếng thổ) thì chọn mặt gỗ xốp, muốn âm thanh bổng (tiếng kim) thì chọn loại gỗ đanh hơn”, ông Tuấn giải thích.


Hiện nay, dù máy móc có thể hỗ trợ một số công đoạn nhưng về cơ bản, người thợ ở Đào Xá vẫn phải làm thủ công từ vào khuôn làm hộp đàn, ghép cần, làm phím, lên dây… đến khâu cuối cùng là tráng sơn, trang trí họa tiết, hoa văn. Để cây đàn đạt yêu cầu chất lượng thì khâu thẩm âm là vô cùng quan trọng. Một điều mà không ai giải thích nổi là cả làng Đào Xá gần như không ai biết nhạc lý, tất cả đều thẩm âm bằng kinh nghiệm, được truyền từ đời này sang đời khác và bằng sự tinh tế của mỗi người thợ.


Hiện nay đã có sự hỗ trợ của máy móc, nhưng rất nhiều công đoạn làm đàn vẫn phải làm thủ công (Ảnh: Báo Công an Nhân dân)

Ông Tuấn tâm sự: “Chỉ cần làm sai một chi tiết cực nhỏ thôi là tiếng đàn đã khác. Dù không ai biết nhạc lý nhưng chúng tôi đều có thể thẩm âm được. Đây là bí quyết mà mỗi người thợ ở Đào Xá được cha ông truyền lại. Các sản phẩm của chúng tôi chưa bao giờ phải trả lại vì không đạt chuẩn. Nhiều nhạc công biểu diễn ở các tỉnh đến tận làng để đặt hàng, thậm chí có nghệ sỹ nước ngoài tìm đến làng để đặt mua”.


Nỗi lo nguy cơ thất truyền

Để có thể thành nghề, nhiều người phải kỳ công học hàng năm trời. Chính vì thế không phải ai cũng đủ kiên trì để theo được nghề này. Vào thời kỳ phát triển nhất, làng có hơn 50 gia đình làm nghề. Tiếng lành đồn xa, trong lịch sử đã có tốp thợ của làng được tuyển vào làm đàn ở cung đình Huế.


Nhưng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, làng nghề không phát triển được vì đó là thời kỳ kinh tế khó khăn. Sau chiến tranh, người làng nghề phải đi xa vào tới tận TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nam Định… Ngày nay, lượng người tới mua đàn ngày càng thưa thớt dần, chính vì thế số hộ còn sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay.


Nói về sự thay đổi đáng buồn này, ông Đào Anh Tuấn nói: “Do nhu cầu thưởng thức các loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc đang có xu hướng thu hẹp như hát xẩm, hát chèo, hát quan họ… nên làng làm đàn cũng ảnh hưởng theo. Hơn nữa do thời gian học làm đàn kéo dài hàng năm trời, lại gò bó bởi kỹ thuật, đến khi thạo nghề lại khó kiếm sống bằng nghề. Phải là người thực sự kiên trì và yêu nghề mới làm được chứ nếu có tài năng nhưng nóng vội thì cũng không phù hợp. Đến khi người học thành nghề thì việc kiếm sống bằng nghề cũng không dễ”.


Rất nhiều giấy chứng nhận, bằng khen, giấy khen của cụ Đào Xuân Soạn còn được lưu giữ (Ảnh: Báo Công an Nhân dân)

Mặc dù biết theo nghề làm đàn sẽ gặp không ít khó khăn nhưng ông Tuấn vẫn quyết tâm để giữ nghề. Bố ông Tuấn chính là cố nghệ nhân Ưu tú Đào Xuân Soạn. Nghệ nhân Đào Xuân Soạn là người có công lớn trong việc khôi phục và duy trì nghề tổ suốt hàng chục năm qua, từ những chiếc đàn tranh, đàn bầu… cho đến những đàn nguyệt, đàn hồ đều do đôi bàn tay tài hoa bằng sự tâm huyết, lòng yêu nghề của mình.


Đầu năm 2022, do tuổi cao sức yếu, Nghệ nhân Ưu tú Đào Xuân Soạn - Nghệ nhân Ưu tú duy nhất của làng nhạc cụ Đào Xá đã ra đi, mang theo nhiều kiến thức, tài năng của nghề làm đàn dân tộc. Kể từ đây, ngoài thương hiệu “đàn Đào Soạn”, hễ nhắc tới Đào Xá thì người dân nơi đây lại mách nhau về thương hiệu “đàn Đào Tuấn”


Theo ông Tuấn, không chỉ chọn gỗ mà công đoạn tỉ mẩn nhất chính là việc gắn phím và căng dây đàn (Ảnh: Báo Công an Nhân dân)

Trước khi quyết định theo nghiệp của bố, ông Tuấn đã từng làm nghề lái xe đường dài. Nhưng đến khi thấy bố ngày một tuổi cao sức yếu và thấy nghề làm đàn có nguy cơ bị thất truyền, ông Tuấn đã quyết định bỏ nghề lái xe để nối nghiệp cha. Những ngày đầu theo bố học nghề, dù đã cố gắng học hỏi rất nhiều nhưng ông vẫn chỉ cho ra những “sản phẩm lỗi vì gắn sai phím, lệch âm. Dẫu vậy, ông Tuấn chưa khi nào có ý định từ bỏ.


Những chiếc đàn tranh mới chỉ được làm phần thô, chờ ông Tuấn “thổi hồn” (Ảnh: Báo Công an Nhân dân)

Sau 10 năm kiên trì, giờ ông đã trở thành người thợ làm nhạc cụ dân tộc nức tiếng trong vùng. Những đơn hàng tại xưởng sản xuất của ông vẫn xuất “đi” liên tục. Những cây đàn với nhiều loại, nhiều mức giá từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng, chủ yếu phục vụ thị trường Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Đã từng có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Bá Phổ, Thao Giang, Bạch Vân… đến tận xưởng của gia đình ông để mua đàn.


Thế nhưng khi nói về việc duy trì làng nghề, ông Tuấn không giấu được sự lo lắng: “Tôi là người thợ cuối cùng của làng làm đàn Đào Xá. Không biết 5 -10 năm nữa khi không còn sức khỏe làm nghề chắc cái làng nghề mấy trăm năm cũng biến mất. Thực sự nó không còn là một làng nghề thông thường mà còn là nét văn hóa đặc trưng lâu đời của quê hương. Tôi luôn hy vọng sẽ tìm và truyền lại được nghề cho thế hệ sau”.



63 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


Tiêu điểm

bottom of page