Từ một loại cây mọc hoang dại trên rừng, người dân Phú Túc đã làm ra những sản phẩm như lẵng đựng hoa quả, khay, hộp đựng quần áo mang tính nghệ thuật cao, xuất khẩu ra nhiều nước, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.
Làng nghề độc đáo
Cách trung tâm thành phố khoảng 40 km về phía nam, làng Lưu Thượng xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội được coi là nơi đầu tiên xuất hiện nghề đan cỏ tế.
Phú Túc vốn là một làng nghề cổ có lịch sử hơn 400 năm. Tương truyền rằng, những năm đầu thế kỷ 17, làng có tên là Gầu Tế, dân cư thưa thớt, đất đai hoang hóa mọc đầy cỏ dại. Có bà Nguyễn Thảo Lâm đến Phú Túc lập nghiệp và đã phát hiện ra loại cỏ tế tên gọi khác là cây guột có thể đan lát thành các vật dụng dùng trong gia đình. Bà đã truyền nghề cho dân trong vùng, cứ thế đời này qua đời khác những người dân Phú Túc tiếp nối và phát triển nghề đan cỏ tế cho đến ngày hôm nay. Giờ đây tại đình làng Phú Túc thờ bà Nguyễn Thảo Lâm là tổ nghề của làng và thờ phụng bà tại đình làng để quanh năm hương khói.
Các nghệ nhân làng Lưu Thượng cho biết cây cỏ tế thuộc họ dương xỉ, thường mọc hoang ở các khu rừng miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung từ Quảng Bình trở ra. Cây có tế có độ dai và bền rất cao ví như lớp mái nhà có sức chịu lực chả kém gì bê tông. Hơn nữa, cỏ tế rất mềm mại, dẻo dai nên dễ cho việc tạo dáng.
Ban đầu, người dân làm nghề chẻ cỏ tế ở Phú Túc chỉ sản xuất để phục vụ cho các địa phương và một số huyện lân cận, phục vụ cho nghề đan cỏ tế và làm nguyên liệu cho một số mặt hàng như nón, các loại rổ, rá, giỏ đựng cua, cá. Nhưng khi nhu cầu ngày càng lớn và tiếng thơm về những sản phẩm ngày một lan xa thì nhiều hộ gia đình trong xã đã đẩy mạnh sản xuất và đưa ra nhiều hơn những mặt hàng với mẫu mã đẹp và sáng tạo.
Bằng bàn tay tài hoa và khéo léo của người dân nơi đây những cây cỏ tế đã trở thành những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, chinh phục được bao khách hàng trong nước và quốc tế. Những sản phẩm như lẵng đựng hoa quả, khay, hộp đựng quần áo, tráp đựng son phấn, hàng lưu niệm, con giống… thực sự đã làm bao du khách phải ngỡ ngàng. Có một cái gì đó thật bình dị, dân dã mà vẫn rất hiện đại toát lên từ chính những cây cỏ hoang dại ấy.
Nghề đan cỏ tế Phú Túc cũng như các làng nghề truyền thống khác ở Việt Nam, trải qua biết bao thăng trầm và cho đến ngày hôm nay, khi thị trường Việt Nam được mở cửa và nhiều doanh nghiệp, khách nước ngoài biết đến các sản phẩm của làng nghề Phú Túc. Và từ đó, nghề đan cỏ tế đã lan rộng ra cả xã, khiến cho Phú Túc có cơ hội phát triển ngày càng giàu đẹp, văn minh, đúng như cái tên gọi của nó (Phú Túc là giàu có văn minh).
Sản phẩm giá trị của của làng hiện giờ là các sản phẩm từ cỏ tế bởi bí quyết sơ chế nguyên liệu từ bao đời nay. Các loại cỏ tế sau khi mua về sẽ được phân loại rồi phải phơi ít nhất 3 nắng to liên tục mới đạt chất lượng cả về độ bền và màu sắc. Tiếp theo, người thợ để nguyên hoặc chẻ cây cỏ tế ra làm 2, 3 hay 4 phần tùy thuộc vào việc dùng để sản xuất loại hàng hóa nào. Sau đó, cỏ tế được dùng để đan và tạo hình cho sản phẩm. Các loại cỏ tế được đan phải có cùng màu sắc, độ dẻo dai để tạo sự đồng đều. Sản phẩm sau khi tạo hình được hun qua diêm sinh, rồi nhúng qua dầu keo để màu sắc được bền và tươi tắn hơn. Nhúng dầu keo xong, người thợ sẽ phơi hoặc sấy khô sản phẩm rồi tiếp tục nhúng dầu lần thứ hai hoặc lần thứ 3 tùy theo yêu cầu đối với từng loại sản phẩm.
Người dân Phú Túc không chỉ sử dụng nguyên liệu truyền thống là cỏ tế mà bằng sự tìm tòi, sáng tạo, cũng như để giảm giá thành sản phẩm người thợ còn kết hợp cỏ tế với các nguyên liệu khác như cói, bẹ ngô, mây, tre, bèo tây (lục bình) , bẹ chuối, cỏ lăn…
Với ưu điểm nguyên liệu sản xuất là tự nhiên, mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, bền, đẹp và giá thành rẻ, các sản phẩm cỏ tế ở Phú Túc không những được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, các nước Trung Đông… Những tên tuổi doanh nghiệp như Phú Ngọc, Phú Tuấn, Hiền Lương, Hồng Kỳ, Thành Công… đã vang tiếng khắp nơi và trở thành những đại lý phân phối lớn, góp phần quảng bá sản phẩm làng nghề cũng như mang lại việc làm và thu nhập cho hàng nghìn hộ dân trong vùng. Đời sống người dân nơi đây đã thực sự thay đổi. Đó là lời khẳng định chắc chắn nhất cho sự tồn tại lâu bền của những làng nghề, xã nghề truyền thống như Phú Túc.
Tìm hướng đi cho làng nghề - du lịch
Khoảng 30 năm trở lại đây, nghề guột tế ngày càng phát triển, lan rộng ra các thôn khác trên địa bàn xã Phú Túc và các xã lân cận. Toàn xã hiện có 1 HTX tiểu thủ công nghiệp, 13 công ty và nhiều tổ hợp mây tre giang đan, guột tế xuất khẩu. Toàn xã hiện có 1.681 hộ, với 3.895 lao động tham gia sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt 257 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 62 triệu đồng/lao động/ năm.
Nhờ liên tục cập nhật, đổi mới mẫu mã sản phẩm nên gia đình nghệ nhân Trần Văn Thế mỗi năm xuất khẩu hàng nghìn mặt hàng, doanh thu đạt 6 - 7 tỷ đồng/năm. Theo ông Thế, bên cạnh các mặt hàng truyền thống, đối tác nước ngoài rất ưa chuộng các loại đồ dùng văn phòng, hàng gia dụng như: Giỏ, lẵng hoa, chao đèn, kệ, tủ quần áo, đồ trang trí, thùng rác... làm từ cỏ tế, mây giang đan. Hiện nay, gia đình ông thu hút thường xuyên 200 - 300 thợ, khi có đơn hàng lớn cần tới hàng nghìn thợ. Gia đình ông giao cho các hộ dân chuyên trách từng khâu theo thế mạnh của mỗi hộ, sau đó gom lại, hoàn thiện sản phẩm và xuất khẩu. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 300 - 400 triệu đồng.
Xác định “Xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch làng nghề", Phú Túc đã trở thành điểm đến du lịch được du khách lựa chọn khi đến Thủ đô. Hiện nay, các tuyến đường giao thông liên xã được đầu tư xây dựng và nâng cấp, đáp ứng nhu cầu tham quan làng nghề.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức du lịch cho cán bộ và người dân được triển khai cùng với các lớp tập huấn sử dụng công nghệ thông tin để các hộ sản xuất tiếp cận thị trường, giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Phú Túc chú trọng công tác xây dựng thương hiệu làng nghề với việc đặt tên thương hiệu, thiết kế logo, đăng ký bảo hộ thương hiệu... Nhờ thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, mỗi năm, Phú Túc thu hút trên 150 đoàn với tổng số gần 2.000 lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, mua sắm.
Phát triển tour du lịch - làng nghề là hướng đi mà Phú Túc xác định. Phú Túc cũng đẩy mạnh công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống ở mỗi làng nghề để làm phong phú thêm các hoạt động trải nghiệm cho du khách. Sở Du lịch Hà Nội đã hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để đưa khách tới Phú Túc, đồng thời liên kết với các xã lân cận để tạo thành tour tham quan các làng nghề nổi tiếng ở Phú Xuyên: Làng guột tế Lưu Thượng, làng chế biến kẹo Hoàng Long, làng tò he Phượng Dực, làng mộc Tân Dân... tạo nên chuỗi du lịch làng nghề hấp dẫn./.
Comentarios