top of page
Chau Nguyen
Quản trị viên
Thao tác khác
Bài đăng diễn đàn
Chau Nguyen
29 thg 5, 2024
In Thảo luận chung
Với sự độc đáo của rối nước, loại hình nghệ thuật này đã được đưa vào phục vụ du lịch và biểu diễn quảng bá, được thế giới quan tâm. Theo NSƯT Chu Lượng, múa rối nước đã đi vào đời sống hiện đại trong nước và đi ra thế giới, như sứ giả về văn hóa, mang bản sắc Việt Nam tới các vùng miền ở năm châu bốn biển. Riêng NSƯT Chu Lượng đã đến 55 quốc gia để giới thiệu nghệ thuật rối nước. Nhiều hoạt động sáng tạo cũng được khai thác từ nghệ thuật rối nước như tạo hình rối nước, vẽ tranh, vẽ lên áo phông… hấp dẫn khách hàng trẻ tuổi.
Ngoài nghệ thuật múa rối nước, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như ca trù, chèo, tuồng, cải lương, hát chèo tàu, hát xẩm… cũng kết tinh văn hóa Thủ đô. Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể (VICH) cho biết, từ năm 2016, Trung tâm đã có các chương trình quảng bá di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Đến nay, Trung tâm đang có các chương trình biểu diễn được “đóng gói” phù hợp với các nhóm đối tượng khách. Chẳng hạn, "Xam Singing Show - TONKIN STORIES: Vietnamse unique impression", kể lại những câu chuyện xẩm từ thời kỳ đầu thế kỷ XX được tổ chức định kỳ tại 34 Châu Long, Hà Nội; “Heritage Show: Câu chuyện dòng chảy” tại TASCO Mall Long Biên; các buổi biểu diễn tại các không gian giới thiệu di sản…
Trung tâm Âm nhạc truyền thống Thăng Long cũng biểu diễn tại các không gian khác nhau như đình Kim Ngân, phố đi bộ tại khu phố cổ Hà Nội… đóng góp cho hoạt động văn hóa của Thủ đô. Bên cạnh đó, tại Hà Nội còn có nhiều mô hình xem biểu diễn múa rối nước, ca trù, xẩm, tuồng, cải lương… khi tham quan phố cổ, các di tích, bảo tàng; mô hình kết hợp vừa tham quan di tích, thắng cảnh thiên nhiên, vừa xem biểu diễn và các hoạt động vui chơi giải trí, như show diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc khai thác nghệ thuật truyền thống phục vụ công nghiệp văn hóa, trong đó có nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa tại Hà Nội còn khá hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng.
Bởi vậy, nhiều người trong nghề đề xuất có cơ chế thúc đẩy bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống; kết nối không gian sáng tạo, nghệ sĩ, nghệ nhân; chia sẻ thông tin về không gian nghệ thuật biểu diễn... Sự kết nối như vậy sẽ chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm để cùng phát triển nghệ thuật biểu diễn. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, cùng với biểu diễn phục vụ khán giả, cần nghiên cứu, thu thập tư liệu, làm rõ giá trị của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống để có cách giới thiệu tới công chúng và khán giả một cách đầy đủ, đúng nét đẹp di sản, từ đó hạn chế phản ứng trái chiều.
1
1
6
Chau Nguyen
27 thg 5, 2024
In Thảo luận chung
Người Việt Nam vốn nổi tiếng là dân tộc cần cù, lam lũ và giản dị. Điều này thể hiện rõ trong phong cách ăn mặc và gu thời trang của người Việt. Khi chọn trang phục, người Việt thường ưu tiên những thiết kế đơn giản, gọn gàng và ngăn nắp.
Từ nhỏ, các bậc phụ huynh Việt Nam đã dạy con cái mình cách mặc đồ lịch sự và gọn gàng. Các bé thường được nhắc nhở cẩn thận với tay áo, không để vạt áo bị vướng víu hay lòa xòa khi ăn cơm. Đây là một phần trong nền giáo dục truyền thống của người Việt, nhằm dạy trẻ vệ sinh, gọn gàng và lịch thiệp ngay từ nhỏ.
Sự đơn giản và ngăn nắp trong phong cách thời trang của người Việt còn thể hiện ở tâm lý tiết kiệm và tránh lãng phí. Họ không thích mua sắm quá nhiều trang phục cầu kỳ mà thường chọn những thiết kế đơn giản, dễ mặc và dễ phối đồ.
Ví dụ, đối với phụ nữ Việt Nam, bộ áo dài truyền thống là lựa chọn ưu tiên hàng đầu nhờ sự thanh lịch, gọn gàng và đơn giản của nó. Áo dài không chỉ đẹp mà còn rất tiện lợi, dễ kết hợp với nhiều loại trang phục khác. Đối với nam giới, những bộ vest và com lê cũng được ưa chuộng vì sự nghiêm túc và gọn gàng.
Trong các dịp lễ hội, tiệc cưới hay các sự kiện quan trọng, người Việt Nam cũng thường chọn trang phục chỉn chu, gọn gàng nhưng vẫn đảm bảo sự sang trọng. Các chàng trai sẽ diện vest hoặc com lê, các cô gái mặc áo dài hay váy dạ hội thanh lịch. Mọi người đều tránh các trang phục cầu kì, rườm rà để tạo sự nghiêm túc và lịch sự.
Ngay cả trong cách mix đồ và phối đồ hằng ngày, phụ nữ Việt cũng thể hiện sự thanh lịch và ngăn nắp. Họ thường kết hợp những item đơn giản, dễ mặc nhưng vẫn đảm bảo tính thời trang và sang trọng nhất định. Chẳng hạn, chiếc áo sơ mi trắng cổ điển kết hợp cùng chân váy đen hoặc quần tây đen tạo nên set đồ thanh lịch, gọn gàng nhưng không kém phần thời thượng.
Không chỉ riêng gì phụ nữ, đàn ông Việt cũng rất coi trọng tính gọn gàng, ngăn nắp trong phong cách thời trang. Họ thích những bộ trang phục đơn giản, dễ phối đồ như áo sơ mi kết hợp quần âu, giày da và đồng hồ đeo tay. Những bộ cánh này vừa sang trọng lại vừa thoải mái, phù hợp với lối sống bận rộn hiện đại.
Ngoài ra, người Việt cũng rất coi trọng sự gọn gàng, sạch sẽ trong trang phục công sở. Các chàng trai thường diện vest, sơ mi và cà vạt để thể hiện sự chỉn chu, tôn trọng đồng nghiệp. Các cô gái lựa chọn áo sơ mi, chân váy hoặc bộ suit nữ tính nhưng vẫn toát lên vẻ chuyên nghiệp.
Nhìn chung, người Việt Nam đề cao sự gọn gàng, ngăn nắp và tiết kiệm trong phong cách thời trang. Đây không chỉ là nét văn hóa truyền thống mà còn phù hợp với lối sống hiện đại. Sự gọn gàng chính là bí quyết giúp người Việt tạo nên phong cách thời trang thanh lịch, sang trọng nhưng vẫn vô cùng tiện lợi và thời thượng.
1
0
11
Chau Nguyen
23 thg 5, 2024
In Thảo luận chung
Từ hàng trăm năm nay, Hà Nội luôn là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa các giá trị văn hóa, trong đó ẩm thực là một trong những loại hình được kế thừa, phát triển đạt đến độ tinh hoa. Nhắc đến ẩm thực Hà Nội là nhắc đến những món ăn mang tính đặc trưng, tạo nên thương hiệu ẩm thực Thủ đô như: Nem, phở, cốm làng Vòng, chả cá, bún ốc, bánh tôm hồ Tây, bánh cuốn Thanh Trì, xôi Phú Thượng, bánh dày Quán Gánh… Đặc biệt, khu vực phố cổ Hà Nội vẫn còn lưu giữ những nếp sành ăn, sành mặc của người Hà Nội xưa, với vô vàn món ngon, luôn được khách du lịch tìm đến thưởng thức.
Nhiều món ăn được các trang du lịch nước ngoài vinh danh, đưa vào cẩm nang du lịch cho du khách khi đến Hà Nội. Trong đó, trang du lịch nổi tiếng Tripadvisor công bố bình chọn Hà Nội là một trong 25 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2022. Trong năm 2023, ba nhà hàng của Hà Nội được gắn 1 sao Michelin (Giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực thế giới), 45 nhà hàng khác được vinh danh và một giải thưởng dành cho đầu bếp trẻ xuất sắc tại sự kiện Michelin Guide Ceremony diễn ra hồi tháng 6 tại Hà Nội.
Theo định hướng phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2030, sản phẩm dịch vụ ẩm thực sẽ được phát triển đa dạng, tập trung vào các loại hình mang tính chất độc đáo như phố ẩm thực đêm, làng nghề ẩm thực... bên cạnh hệ thống các nhà hàng, để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và khách du lịch.
Sở Du lịch Hà Nội sẽ xây dựng bản đồ Food Tour để du khách có thể tự mình khám phá, trải nghiệm ẩm thực Hà Nội. Đồng thời, phổ biến kiến thức về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng giao tiếp, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch để nâng cao hình ảnh, chất lượng của du lịch Thủ đô.
Thành phố tổ chức nhiều hoạt động khai thác, quảng bá các giá trị văn hóa ẩm thực đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Không gian giới thiệu ẩm thực Hà Nội với chủ đề “Tinh hoa ẩm thực Việt” diễn ra thường niên, quy tụ các hội nghề nghiệp, nghệ nhân, doanh nghiệp, cơ sở ẩm thực, giới thiệu các món ngon Hà Nội và cả nước. Nhiều ấn tượng thông qua câu chuyện ẩm thực, chương trình xây dựng nét đẹp về món ăn Hà Nội đặc trưng và thể hiện giá trị ẩm thực Việt. Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội diễn ra thường niên đã tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của Hà Nội, xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu văn hóa, ẩm thực, du lịch. Sự kiện là cơ hội quảng bá hình ảnh Hà Nội là điểm đến du lịch, văn hóa, ẩm thực đặc sắc tới du khách trong và ngoài nước.
Văn hóa ẩm thực là dư địa nhiều tiềm năng ở Hà Nội cho phát triển du lịch. Tuy vậy, việc xây dựng thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, mang dấu ấn Hà Nội không chỉ dừng lại ở kế hoạch, chủ trương mà quan trọng cần sự đầu tư bài bản, đúng tầm, sự vào cuộc của không chỉ cơ quan quản lý, các doanh nghiệp lữ hành mà cả chính bản thân người dân.
1
0
5
Chau Nguyen
20 thg 5, 2024
In Thảo luận chung
Có thể nói, văn hóa học đường là môi trường quan trọng để bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất, nhân cách và giáo dục học sinh, sinh viên trở thành những con người phát triển toàn diện: đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, văn hóa học đường tại nhiều nơi có biểu hiện xuống cấp; nội dung, hình thức giáo dục khô cứng, thiếu hấp dẫn; bộ quy tắc ứng xử thiếu sáng tạo, thậm chí được xây dựng mang tính đối phó. Nhiều trường học chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng văn hóa học đường dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, thậm chí lệch chuẩn nghiêm trọng trong học hành, cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử, trong các mối quan hệ cơ bản của học đường, dẫn đến mối quan hệ “thầy - trò” có những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực; tình trạng bạo lực học đường, lối sống vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, thầy cô, bạn bè vẫn còn xảy ra… Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, mà còn gây tổn hại đến môi trường học đường. Đây thực sự là những báo động đáng lo ngại và trở thành vấn đề “nóng” của xã hội, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Vì vậy, xây dựng văn hóa học đường được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm không chỉ đối với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mà còn đối với toàn xã hội.
Việc xây dựng văn hóa học đường được xác định là một công việc quan trọng, lâu dài, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là thuận lợi. Do đó để thành công đòi hỏi chúng ta phải tiến hành nhiều nội dung, giải pháp đồng bộ và phải kiên quyết và kiên trì thực hiện. Trước hết, phải nhận thức văn hóa học đường là hệ thống các giá trị chuẩn mực được kiến tạo và không ngừng hoàn thiện qua quá trình tương tác ứng xử giữa nhà quản lý giáo dục, cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và các cộng đồng với nhau. Việc xây dựng văn hóa học đường là nhằm tạo môi trường trong sáng nhất, đẹp nhất, an toàn nhất và đậm chất văn hóa nhất để rèn luyện nhân cách và giáo dục học sinh, sinh viên trở thành những con người phát triển toàn diện.
Thứ hai, có 3 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến văn hóa học đường, đó là: nhà trường (cơ sở vật chất, sách giáo khoa, đội ngũ giảng dạy và quản lý); môi trường giáo dục; văn hóa ứng xử - giao tiếp. Theo đó, đòi hỏi nhà trường phải: trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học…; môi trường giáo dục phải là “trường học thân thiện, học sinh tích cực” với 6 đặc trưng: trật tự kỷ cương, trung thực, khách quan, công bằng, tình thương và khuyến khích sáng tạo, hiệu quả; văn hóa ứng xử, giao tiếp (ở gia đình, nhà trường và ngoài xã hội) đó là lễ phép, tử tế, lời hay ý đẹp, kính trên nhường dưới, lịch thiệp, thực thà, nền nếp, hợp tác, chia sẻ, khoan dung...
Thứ ba, cần phát huy vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập các nguyên tắc ứng xử; huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện các thiết chế văn hóa trong nhà trường như thư viện, nhà văn hóa, sân vận động…; tăng cường những yếu tố thuộc về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng và chuẩn mực của đội ngũ nhà giáo với tinh thần “mỗi nhà giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của gia đình và xã hội nhằm tạo niềm tin về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Thứ tư, việc xây dựng văn hóa học đường phải bắt đầu từ các cấp quản lý ngành, từ lãnh đạo các trường học. Theo đó, ngành GD&ĐT, các trường học phải có chủ trương, kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, tránh hình thức; phát huy dân chủ và vai trò đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục, các giáo viên trong xây dựng văn hóa học đường; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá việc thực hiện; xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường xanh, sạch, đẹp, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và thân thiện… Mỗi trường học phải có “Hệ giá trị” làm chuẩn mực để giáo viên, học sinh lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, thước đo thành quả của bản thân, của lớp, của trường, rộng hơn là của cả ngành.
Thứ năm, xây dựng văn hóa học đường và nâng cao văn hóa học đường đòi hỏi tiến hành những việc làm cụ thể đi liền với những nội dung, đối tượng cụ thể trong môi trường sư phạm; phải gắn liền với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 nói riêng.
3
1
8
Chau Nguyen
17 thg 5, 2024
In Thảo luận chung
Bữa cơm của gia đình Việt Nam mang đậm nét văn hóa truyền thống phương Đông qua một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, mâm cơm. Bữa ăn gia đình Việt xưa thường là biểu tượng cả gia đình quây quần bên mâm cơm. Nhà giàu thì mâm đồng, nhà nghèo thì mâm gỗ và thậm chí là cái mẹt tre đan. Việc quây quần bên mâm cơm thể hiện sự đùm bọc trên dưới một lòng, đoàn kết.
Thứ hai, vị trí ngồi. Trong bữa ăn, vị trí ngồi là một nét ứng xử văn hóa rất quan trọng. Mâm cơm trong bữa ăn gia đình có hình tròn, tượng trưng tinh thần bình đẳng vì mỗi vị trí trên vòng tròn đều ngang nhau, không có chỗ trên, chỗ dưới, chỗ trước, chỗ sau.
Thứ ba, lời mời. Trước và sau khi ăn, người Việt thường có “thủ tục” mời ăn, điều này thể hiện lễ giáo và sự kính trọng với người trên. Theo tục lệ xưa, khi ngồi vào mâm cơm, trước khi bưng bát, cầm đũa thì phải “mời cơm”, người ít tuổi mời những người nhiều tuổi hơn.
Thứ tư, nói năng trong bữa ăn. Bữa ăn của người Việt là dịp quan trọng để các thành viên trong gia đình tụ họp, trao đổi, thể hiện tình cảm. Vì vậy, rất nhiều kiến thức về đời sống, họ tộc, lễ nghĩa được ông, bà, cha, mẹ truyền dạy cho con cháu qua bữa cơm.
Thứ năm, tốc độ ăn, uống. Trong bữa cơm, người Việt không ăn quá nhanh hoặc quá chậm, không ngồi quá lâu và ăn quá nhiều hoặc quá ít, không ăn hết nhẵn hoặc bỏ dở. Khác với người phương Tây, người Việt thường không ăn hết món ăn mà thường để lại miếng “lịch sự”. Vì vậy, trong dân gian Việt Nam có câu: “Ăn hết bị đòn, ăn còn mất vợ”.
2
1
8
Chau Nguyen
14 thg 5, 2024
In Thảo luận chung
Từ ngày 1/1, một số tỉnh như Hà Nội, Hồ Chí Minh đã bắt đầu triển khai việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên một số tuyến phố. Đây là một trang mới trong công tác quản lý đô thị gắn với đặc trưng văn hóa vỉa hè.
Đối với việc các địa phương chỉnh trang, thu phí vỉa hè, nhiều du khách hưởng ứng vì những lợi ích mà nó mang lại, bởi đó là nơi dạo chơi, chụp ảnh, mua sắm hay ngồi hàng giờ bên ly trà đá, cà phê ngắm phố hưởng, tận hưởng những thức quà truyền thống của địa phương. Đó cũng là khía cạnh khiến đa số người nước ngoài thích thú khi tới Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh sự thích thú, cũng có những hình ảnh chưa đẹp trong cách sử dụng vỉa hè, khiến du khách chưa cảm tình.
Từ lâu, kinh tế vỉa hè đã là nét đặc sắc của các đô thị lớn ở Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… Những quốc gia này đều tận dụng vỉa hè và biến thành nơi phát triển kinh tế.
Vỉa hè là phần không gian quan trọng của đô thị. Nơi đây có dòng chảy về kinh tế chính thức và phi chính thức, với các hoạt động mua bán đa dạng. Khi các hoạt động diễn ra trên vỉa hè được đưa vào khuôn khổ, vừa đảm bảo được trật tự mỹ quan đô thị vừa chia sẻ lợi ích kinh tế xã hội cho chính quyền và người dân. Quan trọng hơn, người dân – đặc biệt là những người đang trực tiếp sử dụng vỉa hè – cũng cần học cách trở thành những công dân đô thị hiện đại, tuân thủ mọi quy định quy tắc của pháp luật, để không chỉ trả lại vỉa hè cho người đi bộ mà còn trả lại nét đẹp trong sinh hoạt đô thị.
3
1
8
Chau Nguyen
11 thg 5, 2024
In Thảo luận chung
Văn hóa làng nghề bao gồm: Văn hóa làng và văn hóa nghề trong đó văn hóa làng là nền tảng còn văn hóa nghề được coi là nhân tố quyết định cho sự hình thành nên đặc trưng của văn hóa làng nghề. Các yếu tố cấu thành văn hóa làng: cơ cấu tổ chức, diện mạo làng xã, dòng họ phe giáp…; văn hóa vật thể: đình, đền, miếu, chùa, nhà thờ họ, nhà ở; văn hóa phi vật thể: luật tục, phong tục tập quán, ứng xử xóm làng, lễ hội, tín ngưỡng dân gian…
Có một thực tế phổ biến là ở hầu hết các làng nghề vốn văn hóa truyền thống được gìn giữ bền lâu hơn những làng khác. Vốn văn hóa ấy lại rất phong phú với nhiều loại hình khác nhau. Hiện nay, các làng còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống nhất lại là những làng nghề. Từ di tích, phong tục cùng các tiềm năng văn hóa khác đều được giữ gìn khá tốt một điều rõ ràng so với các làng làm nông nghiệp thuần túy, làng nghề có điều kiện nhiều hơn về kinh tế. Hơn nữa họ có tay nghề cho nên các di tích ở các làng ấy thường xuyên được tu bổ nhờ sự giúp đỡ của nhiều “mạnh thường quân” hơn, được công đức nhiều hơn. Đặc biệt là một số phong tục, nghi lễ mang tính nông nghiệp sơ khai và rất cổ lại do chính các làng nghề lưu giữ nhiều hơn là các làng nông nghiệp thuần túy.
Thờ cúng tổ nghề là một nét văn hóa của làng nghề, gần như không có một làng nghề nào mà không thờ một vị tổ sư của làng nghề mình. Cùng với lễ giỗ tổ nghề là lễ hội làng nghề, nếu ngày lễ giỗ tổ nghề đồng thời là ngày hội làng thì lễ hội làng ấy có quy mô khá lớn. Vốn dĩ là làng nông nghiệp, nên làng nghề đã có đặc tính của làng xã nông thôn Việt Nam. Vì vậy, khi trở thành làng nghề do nhu cầu bảo vệ nghề, do việc phải cố kết làm ăn trước các cộng đồng nghề khác, nên tính cộng đồng của họ ở mặt nào đó còn cao hơn ở làng nông nghiệp.
Văn hóa làng nghề ngoài lễ hội, khoán ước và lễ giỗ tổ nghề còn nhiều loại hình khác rất phong phú như ca dao, ngạn ngữ nói về nghề, những truyền thuyết về những vị tổ nghề. Có thể nói làng nghề nào cũng có những câu ca dao hay ca ngợi về làng, về nghề và những con người tài năng của nghề đó. Có một nét đặc sắc khác trong văn hóa làng nghề đó là sự năng động linh hoạt, chuyển đổi rất nhanh nhạy trước những biến động của thời cuộc, của thị trường. Thực tế lịch sử đã chứng minh điều đó chỉ cần xem xét cụ thể một làng nghề trong các giai đoạn lịch sử sẽ thấy được tình trạng chung của làng nghề khác.
Văn hóa làng nghề bao gồm các thành tố như di tích, lễ hội, phong tục, tín ngưỡng thờ tổ nghề, mối quan hệ của người dân làng nghề, bí quyết và kỹ thuật truyền nghề, ý nghĩa biểu tượng văn hóa trong các sản phẩm của làng nghề… có mối quan hệ tác động tương hỗ, gắn bó mật thiết với nhau tạo thành văn hóa làng nghề. Đặc biệt trong văn hóa nghề, vai trò của các nghệ nhân, người giữ linh hồn và bí quyết nghề nghiệp họ luôn có vai trò sáng tạo và trao truyền kỹ năng từ thế hệ này đến thế hệ khác. Vì vậy, trong các thành tố của văn hóa làng nghề thì nghệ nhân được xem là một trong những thành tố quan trọng cần được quan tâm từ hai phương diện, trước hết là quyền lợi của nghệ nhân và trọng tâm hơn cả là tri thức nghề nghiệp của nghệ nhân.
Giá trị văn hóa của làng nghề nước ta còn thể hiện trong các nghệ nhân - những người lưu giữ những tinh hoa văn hóa dân tộc trong các sản phẩm làng nghề, đồng thời không ngừng sáng tạo để làng nghề có thêm nhiều sản phẩm mới vừa phát huy được truyền thống văn hóa dân tộc vừa thể hiện sức sáng tạo của nghệ nhân trong điều kiện mới. Giá trị văn hóa thể hiện rõ nét nhất trong các sản phẩm làng nghề gắn với trí thông minh, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh sảo của các nghệ nhân được lưu truyền từ hàng trăm năm nay đang được kế thừa, khôi phục. Đó là những hoa văn, những họa tiết được lưu giữ từ nhiều đời trong những sản phẩm mỹ nghệ, những chi tiết quyết định giá trị của sản phẩm mang những nét tinh hoa của người thợ thủ công và sắc thái riêng của làng nghề truyền thống. Mỗi sản phẩm làng nghề không chỉ là một sản phẩm hàng hóa thông thường mà còn là nơi gửi gắm tâm hồn, tài năng, thể hiện khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần lao động của nghệ nhân, đó là những sản phẩm văn hoá có tính nghệ thuật cao.
4
1
7
Chau Nguyen
08 thg 5, 2024
In Thảo luận chung
Văn hóa đi xem phim tại rạp là chuyện không mới. Có vô vàn điều thiếu tế nhị, thậm chí là vô duyên đã và đang diễn ra. Một thời gian dài, các nhà làm phim còn ngao ngán trước tình trạng livestream, chụp ảnh, tiết lộ nội dung sau khi xem phim. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng này đã giảm đáng kể nhờ các biện pháp răn đe mạnh.
Xem phim là hình thức sử dụng dịch vụ có trả tiền. Không ít người cho rằng “khách hàng là thượng đế” nên họ có quyền. Nhưng cũng cần nhớ, việc trải nghiệm bất cứ dịch vụ nào đều có những quy tắc và văn hóa riêng. Hầu hết các cụm rạp trước khi chiếu phim đều phát clip về các quy định trong phòng chiếu. Thậm chí, nhiều đoàn phim còn tự thực hiện các đoạn clip này để nhắc nhở khán giả của mình. Ấy vậy nhưng, trong không ít trường hợp mọi thứ vẫn bị bỏ ngoài mắt, ngoài tai.
Trong bối cảnh các nền tảng trực tuyến nở rộ, nhiều người chọn ra rạp xem phim vì muốn có những trải nghiệm chỉ có tại rạp chiếu với màn hình lớn, âm thanh sống động. Nhưng khi gặp phải những hành động thiếu văn hóa, trải nghiệm đó đã bị sứt mẻ. Không phải ai cũng thẳng thắn nhắc nhở vì ngại cho chính mình và cả người bị nhắc. Bạn cứ thử tưởng tượng giữa phòng chiếu trăm người, bạn trở thành nhân vật trung tâm của những hành động không đẹp? Và, sự việc sẽ không còn là nhỏ nếu những hành động thiếu văn hóa của bạn như livestream, chụp hình trong rạp chiếu, tiết lộ nội dung phim lên trang cá nhân… sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của bộ phim.
Nhiều nhà sản xuất, phát hành mừng vì khi điện ảnh Việt phát triển, thói quen ra rạp, nhu cầu và thị hiếu của khán giả ngày càng được nâng cao. Đó là những tín hiệu tích cực. Những hình ảnh thiếu văn hóa khi đi xem phim có thể chỉ là của một bộ phận nhỏ khán giả, nhưng cũng không quá khó để bắt gặp. Học cách xem phim có văn hóa, tôn trọng chính mình và những người xung quanh cũng là cách góp phần vào sự chuyên nghiệp của môi trường điện ảnh.
5
2
8
Chau Nguyen
02 thg 5, 2024
In Thảo luận chung
Ai trên đời này cũng có ít nhất một thần tượng cho riêng mình, cho nên, văn hóa thần tượng vốn là một nét đẹp, một giá trị có ý nghĩa tích cực để mỗi con người, thậm chí là một giới, một thế hệ hướng về và phấn đấu, rèn luyện mình theo những giá trị mà thần tượng của mình mang lại. Tuy nhiên, văn hóa thần tượng trong thời đại ngày nay đang có những biến đổi lớn, nhất là trong giới trẻ.
Phần đông giới trẻ hiểu đúng văn hóa thần tượng vẫn dành sự hâm mộ đến những người đem đạo đức và tài năng của mình cống hiến, hy sinh vì lợi ích cộng đồng, vì tiến bộ xã hội. Còn một bộ phận không nhỏ lại thần tượng những “sao” trong lĩnh vực ca nhạc, điện ảnh, người mẫu, doanh nhân…, thậm chí “thần tượng” cả những cá nhân chỉ chuyên bày ra các chiêu trò lố bịch để câu like, câu view...
Nghĩa là, văn hóa thần tượng được lưu truyền từ đời này sang đời khác với tất cả giá trị và ý nghĩa tốt đẹp của nó. Tuy nhiên, cũng như tín ngưỡng, nếu tín ngưỡng là hướng về những giá trị tốt đẹp thì cuồng tín lại trở nên mê muội. Thần tượng là hình mẫu tốt đẹp thì cuồng thần tượng lại dẫn đến sự mù quáng, lạc đường, chệch mẫu mà có khi ngay cả thần tượng của mình cũng không mong muốn thế, nhất là đối với giới trẻ hiện nay.
Chính vì cuồng thần tượng nên giới trẻ thường đi lệch chuẩn văn hóa thần tượng. Thực ra, tôn một ca sĩ, một diễn viên, một người mẫu hoặc một nhóm nhạc trong nước hoặc cả ở nước ngoài là thần tượng của mình, điều này hoàn toàn không có gì sai, đáng khuyến khích. Nhưng giới trẻ ngày nay lại chỉ hâm mộ về tài mà ít coi trọng đạo đức.
Thậm chí họ còn cuồng thần tượng đến mức trở thành “fan” ruột để ca ngợi, đề cao những cái không thực tài. Khi ca sĩ biểu diễn thì ít chú trọng về giọng hát qua sự thẩm âm (nghe) của mình, mà chủ yếu là chú trọng về ngoại hình, trang phục, nhảy (nhìn)... Rồi thì do thần tượng một cách mù quáng, các “fan” lại đi bênh vực cả những cái sai của thần tượng, kiểu như “tình nguyện được đi tù thay cho thần tượng”, rồi cổ xúy “nếu anh sai, chúng em sẽ sai cùng anh”…
Tôn vinh những hành vi phi đạo đức, noi theo những việc làm sai trái của thần tượng chính là một hiện tượng rất nguy hiểm của giới trẻ hiện nay. Đặc biệt nguy hiểm hơn nữa là các “fan” cuồng này, theo thống kê, lại có xu hướng trẻ hóa đến cả học sinh tiểu học và THCS - lứa tuổi chưa đủ năng lực để đánh giá đúng các giá trị chân - thiện - mỹ để tôn vinh.
Để xây dựng văn hóa thần tượng trong giới trẻ hiện nay, một mặt chúng ta cần xem trọng đạo đức bên cạnh tài năng của các nghệ sĩ, “sao” trong các lĩnh vực vì họ là người có tầm ảnh hưởng (KOLs) lớn với giới trẻ. Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định 512/QĐ-BTTTT ngày 31-3-2023 về Kế hoạch hành động cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025.
Trong đó nêu rõ việc xây dựng “Quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục”. Điều này sẽ giúp các “sao” nâng cao ý thức đạo đức bản thân, hạn chế những phát ngôn mang tính chủ quan cá nhân, tác động xấu đến tâm sinh lý giới trẻ. Mặt khác, cuồng thần tượng đang có xu hướng trẻ hóa về độ tuổi, vì vậy, nhà trường, đặc biệt là các thầy cô giáo cần tăng cường giáo dục, nhắc nhở thường xuyên để văn hóa thần tượng không bị lệch chuẩn. Phụ huynh cũng cần chú trọng định hướng cho con em mình để các em không bị hiệu ứng đám đông chi phối, kéo vào những nhóm “fan” lệch chuẩn trong văn hóa thần tượng.
Chính thần tượng mù quáng của phần đông giới trẻ hiện nay đã khiến cho nhiều nghệ sĩ ngộ nhận về tài năng của mình, dẫn đến hiện tượng tự cho mình được quyền làm những điều sai trái, sống buông thả, không chú trọng tu dưỡng đạo đức vì được số đông giới trẻ tôn làm thần tượng. Để văn hóa thần tượng không lệch chuẩn, cần tiến hành từ hai phía: bản thân các “thần tượng” và “fan của các thần tượng” đó nhằm đưa văn hóa thần tượng về đúng chuẩn của những giá trị tốt đẹp.
5
2
11
Chau Nguyen
29 thg 4, 2024
In Thảo luận chung
Nhắc đến giới trẻ là nói đến sự năng động, sáng tạo, hoạt náo, cũng như phong cách thưởng thức nghệ thuật hiện đại. Nhưng xã hội luôn có sự thay đổi để con người và mọi vật có thể hòa hợp với nhau. Chính những thay đổi đó, cho thấy một phần giới trẻ đang có khuynh hướng sống chậm lại để cảm nhận, hiểu rõ hơn về nền văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Hiện nay, nhiều người trẻ luôn sẵn sàng lấy kiến thức, cũng như tinh thần, trách nhiệm của tuổi trẻ để làm mới nghệ thuật truyền thống, tạo thêm phần mới lạ, nhưng vẫn mang hơi thở bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh những phim ảnh hiện đại, bom tấn thì nghệ thuật dân gian cũng được phát triển dựa trên nền tảng mạng xã hội ngày nay. Thông qua đó người trẻ mang lại những tiết mục biểu diễn truyền thống như chèo, tuồng, hát xẩm, quan họ, chầu văn… đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Đằng sau nhịp sống hiện đại thì giới trẻ vẫn dành thời gian để đến những nơi tĩnh lặng, bình yên, tham quan ngắm nhìn những bức hội họa trong các hội triển lãm, cũng như tại các sân khấu kịch xem những tiết mục hài hước, lắng động, ý nghĩa, hay là những con đường sách đông đảo bạn đọc mỗi khi chiều xuống và cuối tuần.
Bên cạnh đó, mạng xã hội đang thịnh hành như Tiktok có xu hướng cover những bản nhạc xưa, những bài mang âm hưởng dân gian, cải lương hòa nhập lại với nhịp sống hiện nay. Song đó là tín hiệu đáng mừng khi được các bạn trẻ yêu thích, quay trở lại ủng hộ nền văn hóa nghệ thuật truyền thống.
3
0
16
Chau Nguyen
25 thg 4, 2024
In Thảo luận chung
Một tình yêu lan tỏa tự nhiên từ những câu chuyện được kể theo lối giản dị, hóm hỉnh với nhiều chi tiết đời thường, những dòng trạng thái được bình luận là "đỉnh", "chất", "mặn" trên fanpage Di tích lịch sử Hỏa Lò (Hà Nội) này có thể sẽ là gợi ý về cách những người trẻ tìm đến và yêu lịch sử.
Hay cô bạn Ngô Thị Quỳnh Giao chủ kênh tiktok Giao Cùn một cái tên không quá xa lạ với các bạn trẻ yêu thích lịch sử. TikToker này được xem là một trong những người quan trọng giúp bộ phim viral mạnh mẽ như hiện tại. Vào tháng 3/2024, cô bạn đã làm clip thông báo rằng phim “Đào, Phở Và Piano” đã ra mắt và nhờ vậy, nhiều bạn trẻ yêu lịch sử đã đi xem, tạo nên cơn sốt như hiện tại. Việc làm của Giao Cùn được fanpage Thông tin Chính phủ hoan nghênh và diễn viên Doãn Quốc Đam - nam chính Đào, Phở Và Piano gửi lời cảm ơn công khai.
Cuối cùng đích đến của tất cả những nỗ lực thay đổi là thế hệ trẻ, truyền cho họ niềm yêu thích với lịch sử… Và từ đó, người trẻ thêm yêu quê hương, đất nước mình, trân trọng những đóng góp của tiền nhân bằng những hành động cụ thể, bằng chính những lợi thế am hiểu công nghệ của mình.
7
4
17
Chau Nguyen
23 thg 4, 2024
In Thảo luận chung
Đứng trước thách thức của thời đại số, rõ ràng quan niệm về sách và văn hóa đọc cần thiết phải có những thay đổi để phù hợp với thời đại. Phải nhìn nhận rằng, dù văn hóa đọc truyền thống có bị lấn át bởi sự phát triển của công nghệ nhưng nó cũng đang trở thành chìa khóa mở ra giai đoạn phát triển mới cho văn hóa đọc.
Công nghệ phát triển kéo theo nhiều hình thức đọc mới ra đời như: sách nói (audio book), sách tương tác, sách thực tế ảo và đặc biệt là sách điện tử (e-book). Dù có đôi chút bất tiện khi yêu cầu phải cần thiết bị chuyên dụng nhưng bù lại độc giả lại có được trong tay cả kho tàng sách, từ các đầu sách mới xuất bản cho đến nhiều tác phẩm văn học kinh điển của hàng thế kỉ trước.
Bên cạnh đó, ưu thế nổi bật của các hình thức đọc này còn thể hiện ở khả năng tương tác. Độc giả không chỉ đơn thuần tiếp cận tri thức qua sách mà còn có thể trao đổi thông tin với tác giả, bạn bè và người đọc khác thông qua mạng xã hội.
Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức cho đến cá nhân đang tích cực tham gia vào việc phát triển văn hóa đọc dựa vào ứng dụng công nghệ. Điều này thể hiện rất rõ thông qua việc phát triển hiệu quả mô hình thư viện số tại trường đại học cũng như nhiều đơn vị khác. Mặc khác, các tác giả, nhà xuất bản, công ty phát hành sách... cũng sử dụng trang mạng xã hội như một kênh thông tin, truyền thông nhằm quảng bá, giới thiệu sách đến độc giả.
Tựu trung, khái niệm đọc sách và văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số đang có sự chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, dù tiếp cận bằng hình thức nào đi chăng nữa cũng cần phải gắn liền thực tiễn hoạt động đọc của con người, tức là phải đảm bảo tính hợp lí cho từng nhóm đối tượng và thời điểm cụ thể, có như vậy thì xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng mới bền vững được.
8
3
55
bottom of page