Văn hóa làng nghề bao gồm: Văn hóa làng và văn hóa nghề trong đó văn hóa làng là nền tảng còn văn hóa nghề được coi là nhân tố quyết định cho sự hình thành nên đặc trưng của văn hóa làng nghề. Các yếu tố cấu thành văn hóa làng: cơ cấu tổ chức, diện mạo làng xã, dòng họ phe giáp…; văn hóa vật thể: đình, đền, miếu, chùa, nhà thờ họ, nhà ở; văn hóa phi vật thể: luật tục, phong tục tập quán, ứng xử xóm làng, lễ hội, tín ngưỡng dân gian…
Có một thực tế phổ biến là ở hầu hết các làng nghề vốn văn hóa truyền thống được gìn giữ bền lâu hơn những làng khác. Vốn văn hóa ấy lại rất phong phú với nhiều loại hình khác nhau. Hiện nay, các làng còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống nhất lại là những làng nghề. Từ di tích, phong tục cùng các tiềm năng văn hóa khác đều được giữ gìn khá tốt một điều rõ ràng so với các làng làm nông nghiệp thuần túy, làng nghề có điều kiện nhiều hơn về kinh tế. Hơn nữa họ có tay nghề cho nên các di tích ở các làng ấy thường xuyên được tu bổ nhờ sự giúp đỡ của nhiều “mạnh thường quân” hơn, được công đức nhiều hơn. Đặc biệt là một số phong tục, nghi lễ mang tính nông nghiệp sơ khai và rất cổ lại do chính các làng nghề lưu giữ nhiều hơn là các làng nông nghiệp thuần túy.
Thờ cúng tổ nghề là một nét văn hóa của làng nghề, gần như không có một làng nghề nào mà không thờ một vị tổ sư của làng nghề mình. Cùng với lễ giỗ tổ nghề là lễ hội làng nghề, nếu ngày lễ giỗ tổ nghề đồng thời là ngày hội làng thì lễ hội làng ấy có quy mô khá lớn. Vốn dĩ là làng nông nghiệp, nên làng nghề đã có đặc tính của làng xã nông thôn Việt Nam. Vì vậy, khi trở thành làng nghề do nhu cầu bảo vệ nghề, do việc phải cố kết làm ăn trước các cộng đồng nghề khác, nên tính cộng đồng của họ ở mặt nào đó còn cao hơn ở làng nông nghiệp.
Văn hóa làng nghề ngoài lễ hội, khoán ước và lễ giỗ tổ nghề còn nhiều loại hình khác rất phong phú như ca dao, ngạn ngữ nói về nghề, những truyền thuyết về những vị tổ nghề. Có thể nói làng nghề nào cũng có những câu ca dao hay ca ngợi về làng, về nghề và những con người tài năng của nghề đó. Có một nét đặc sắc khác trong văn hóa làng nghề đó là sự năng động linh hoạt, chuyển đổi rất nhanh nhạy trước những biến động của thời cuộc, của thị trường. Thực tế lịch sử đã chứng minh điều đó chỉ cần xem xét cụ thể một làng nghề trong các giai đoạn lịch sử sẽ thấy được tình trạng chung của làng nghề khác.
Văn hóa làng nghề bao gồm các thành tố như di tích, lễ hội, phong tục, tín ngưỡng thờ tổ nghề, mối quan hệ của người dân làng nghề, bí quyết và kỹ thuật truyền nghề, ý nghĩa biểu tượng văn hóa trong các sản phẩm của làng nghề… có mối quan hệ tác động tương hỗ, gắn bó mật thiết với nhau tạo thành văn hóa làng nghề. Đặc biệt trong văn hóa nghề, vai trò của các nghệ nhân, người giữ linh hồn và bí quyết nghề nghiệp họ luôn có vai trò sáng tạo và trao truyền kỹ năng từ thế hệ này đến thế hệ khác. Vì vậy, trong các thành tố của văn hóa làng nghề thì nghệ nhân được xem là một trong những thành tố quan trọng cần được quan tâm từ hai phương diện, trước hết là quyền lợi của nghệ nhân và trọng tâm hơn cả là tri thức nghề nghiệp của nghệ nhân.
Giá trị văn hóa của làng nghề nước ta còn thể hiện trong các nghệ nhân - những người lưu giữ những tinh hoa văn hóa dân tộc trong các sản phẩm làng nghề, đồng thời không ngừng sáng tạo để làng nghề có thêm nhiều sản phẩm mới vừa phát huy được truyền thống văn hóa dân tộc vừa thể hiện sức sáng tạo của nghệ nhân trong điều kiện mới. Giá trị văn hóa thể hiện rõ nét nhất trong các sản phẩm làng nghề gắn với trí thông minh, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh sảo của các nghệ nhân được lưu truyền từ hàng trăm năm nay đang được kế thừa, khôi phục. Đó là những hoa văn, những họa tiết được lưu giữ từ nhiều đời trong những sản phẩm mỹ nghệ, những chi tiết quyết định giá trị của sản phẩm mang những nét tinh hoa của người thợ thủ công và sắc thái riêng của làng nghề truyền thống. Mỗi sản phẩm làng nghề không chỉ là một sản phẩm hàng hóa thông thường mà còn là nơi gửi gắm tâm hồn, tài năng, thể hiện khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần lao động của nghệ nhân, đó là những sản phẩm văn hoá có tính nghệ thuật cao.
Mong các làng nghề sẽ được chú trọng phát triển!