Đứng trước thách thức của thời đại số, rõ ràng quan niệm về sách và văn hóa đọc cần thiết phải có những thay đổi để phù hợp với thời đại. Phải nhìn nhận rằng, dù văn hóa đọc truyền thống có bị lấn át bởi sự phát triển của công nghệ nhưng nó cũng đang trở thành chìa khóa mở ra giai đoạn phát triển mới cho văn hóa đọc.
Công nghệ phát triển kéo theo nhiều hình thức đọc mới ra đời như: sách nói (audio book), sách tương tác, sách thực tế ảo và đặc biệt là sách điện tử (e-book). Dù có đôi chút bất tiện khi yêu cầu phải cần thiết bị chuyên dụng nhưng bù lại độc giả lại có được trong tay cả kho tàng sách, từ các đầu sách mới xuất bản cho đến nhiều tác phẩm văn học kinh điển của hàng thế kỉ trước.
Bên cạnh đó, ưu thế nổi bật của các hình thức đọc này còn thể hiện ở khả năng tương tác. Độc giả không chỉ đơn thuần tiếp cận tri thức qua sách mà còn có thể trao đổi thông tin với tác giả, bạn bè và người đọc khác thông qua mạng xã hội.
Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức cho đến cá nhân đang tích cực tham gia vào việc phát triển văn hóa đọc dựa vào ứng dụng công nghệ. Điều này thể hiện rất rõ thông qua việc phát triển hiệu quả mô hình thư viện số tại trường đại học cũng như nhiều đơn vị khác. Mặc khác, các tác giả, nhà xuất bản, công ty phát hành sách... cũng sử dụng trang mạng xã hội như một kênh thông tin, truyền thông nhằm quảng bá, giới thiệu sách đến độc giả.
Tựu trung, khái niệm đọc sách và văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số đang có sự chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, dù tiếp cận bằng hình thức nào đi chăng nữa cũng cần phải gắn liền thực tiễn hoạt động đọc của con người, tức là phải đảm bảo tính hợp lí cho từng nhóm đối tượng và thời điểm cụ thể, có như vậy thì xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng mới bền vững được.
thông tin bổ ích quá
góc nhìn tuyệt vời!
Mong văn hóa đọc trong cộng đồng được xây dựng bền vững hơn nữa!!!!!