Chúng ta đã nghe rất nhiều về du lịch Hà Nội, những điểm ăn uống, vui chơi, thăm quan… hay du lịch tâm linh đều không thiếu ở một nơi có bề dày lịch sử, ngàn năm văn hiến của đất thủ đô. Được coi là trung tâm văn hóa số một của Việt Nam, không lẽ gì mà bạn chỉ biết đến những điểm ăn, chơi khi đến Hà Nội. Những yếu tố như văn hóa, con người, nhịp sống, phong tục tập quán… đều là những chủ đề rất đáng quan tâm.
1. VĂN HÓA THỦ ĐÔ
Với hơn 1000 năm văn hiến, từ thuở là kinh thành Thăng Long cho tới nay Hà Nội vẫn luôn là trung tâm văn hóa lớn nhất nước với các di tích văn hóa vật thể và phi vật thể. Vùng đất lành vốn đã sản sinh ra nền văn hóa dân gian với nhiều truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, những vị anh hùng, danh nhân được dân gian ca ngợi và những lễ hội dân gian mang đậm màu sắc lịch sử, có tác động sâu sắc đến tinh thần của người dân.
Điều khiến Hà Nội đặc biệt, là bốn phương tụ hội mang theo những nền văn hóa khác nhau, khiến cho văn hóa nơi đây trở nên đa dạng phong phú và không đâu trên đất Việt Nam có nhiều làng văn hiến như Hà Nội. Những ngôi làng cùng với các kiến trúc Phật giáo, dân gian, kiến trúc Pháp nằm rải rác khắp thành phố, khiến du khách thập phương vô cùng thích thú trước những giá trị văn hóa còn hiện hữu trong một thành phố sầm uất như Hà Nội.
2. CON NGƯỜI TRÀNG AN
Hà Nội thực chất nằm ở chính những con người bình thường Hà Nội, trong lời ăn tiếng nói và cách cư xử văn minh, tinh hoa đúng chất:
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài.
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Khi đến đây rồi, nơi thủ đô nồng ấm luôn có những con người sẵn sàng giúp đỡ, chỉ đường, hướng dẫn tận tình cho bạn – kẻ lữ hành phương xa đến đây thăm quan du lịch.
Hà Nội không chỉ có văn hóa “phố”, mà còn cả văn hóa “làng” từ bao đời nay hội tụ thành những nét văn hóa thấm nhuần con người Hà Nội. Họ biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, sẵn sàng giang đôi tay giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn hơn, ở họ có sự trọng tình, trọng nghĩa tiêu biểu cho phẩm chất con người Việt Nam.
3. CUỘC SỐNG NHỘN NHỊP
Là thủ đô của một nước, vậy nên không có gì lạ khi nhịp sống của Hà Nội lại nhộn nhịp đến vậy. Sáng sáng người người nhà nhà ra đường đi học, đi làm, khiến cho những con đường nhộn nhịp hẳn lên, dòng người, xe cộ nối đuôi nhau vốn là hình ảnh đặc trưng vào những giờ cao điểm.
Tuy vậy, sau một ngày làm việc, Hà Nội lại trở về với đúng cái chất của một phố cổ, im lìm, cổ kính và bình yên len lỏi đến từng nếp nhà. Chẳng thế mà người ta có câu “Hà Nội đẹp nhất về đêm” là như vậy.
4. TRUYỀN THỐNG NGÀN NĂM VĂN HIẾN
Truyền thống Hà Nội luôn xuất hiện từ những điều nhỏ nhất, từ cách nói “Xin lỗi”, “Cảm ơn” đến cách mời, chào hỏi người thân, người lạ. Tất cả đều đã được thống nhất trong gia đình về việc giáo dục, dạy dỗ con cái sống đúng mực sao cho mọi người đều quý mến.
Truyền thống ấy còn thể hiện ở những làng nghề, con phố làm và bán các sản phẩm đặc trưng độc đáo như làng gốm Bát Tràng, làng hoa Ngọc Hà, phố Hàng Mã, Hàng Bạc… , qua ẩm thực phong phú đa dạng từ món sang chảnh đến bình dân, đầy đủ điều kiện trở thành một trong những thiên đường ẩm thực bậc nhất thế giới.
5. TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG ĐA DẠNG
Từ xa xưa, tôn giáo, tín ngưỡng đã là một phần rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng. Ở Hà Nội có Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài và Đạo Hồi… hoạt động mạnh mẽ nhưng đều được quản lý chặt chẽ giúp cho người dân yên tâm sinh hoạt đời sống văn hóa, tín ngưỡng của mình.
Có thể nói rằng, Hà Nội có một hệ thống tôn giáo tín ngưỡng phong phú, tiêu biểu cho đời sống tôn giáo tín ngưỡng của cả nước nhờ sự hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ lịch sử, có ảnh hưởng sâu sắc với cả nền văn hóa và xã hội của đất kinh thành xưa.
Hiểu rõ thêm về văn hóa của Hà Nội chắc chắn sẽ là điều kiện tốt để bạn có thể thỏa sức du lịch Hà Nội một cách dễ dàng và thú vị hơn. Chắc chắn rồi, đi tới mọi ngóc ngách của thủ đô bạn cũng đều tự tin biết được tại sao người dân làm như thế này, tại sao có những con phố như thế kia… Rất tuyệt đấy, văn hóa Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Comments