Trong những ngày tháng 5 lịch sử, nghệ nhân điêu khắc ánh sáng Bùi Văn Tự (Bát Tràng, Hà Nội) đã sáng tạo ra bộ tác phẩm “Huyền thoại Điện Biên” mang đậm dấu ấn lịch sử và sự tự hào về dân tộc về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Điêu khắc huyền thoại Điên Biên bằng ánh sáng
Những ngày tháng 5 này, căn phòng trưng bày các tác phẩm điêu khắc của nghệ nhân Bùi Văn Tự trên tầng 4 của Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) tấp nập khách tham quan. Dẫn chúng tôi vào một căn phòng riêng biệt, nghệ nhân sinh năm 1992 giới thiệu về tác phẩm điêu khắc ánh sáng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thấy người xem tò mò, chưa hình dung ra nội dung tác phẩm, nghệ nhân Bùi Văn Tự bật công tắc để ánh đèn từ nằm trong khối gỗ lũa chiếu lên những bao tải, lá cây in bóng lên bức màng trắng phía sau.
Sau đó, nghệ nhân 9x từ từ xoay khối điêu khắc. Mất vài giây để căn chỉnh, những bóng đen trên màn chiếu bắt đầu chuyển động, rồi chầm chậm, hình ảnh một dân công hoả tuyến, đẩy xe thồ lên đồi, núi cao dần xuất hiện. Hình ảnh rõ đến từng chi tiết nhỏ, từ chiếc bánh xe, người dân công hoả tuyến đội mũ cối, đến phong cảnh núi rừng.
Theo tư liệu tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh, xe đạp thồ trở thành loại phương tiện vận chuyển chính, cơ động, năng suất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, được gọi với tên “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km. Xe đạp thồ còn được ví như “vua vận tải” chiến trường, “binh đoàn nửa cơ giới” vì có nhiều ưu điểm vượt trội và có thể khắc phục được nhiều nhược điểm của nhiều phương tiện vận chuyển khác. Đã có nhiều kỷ lục gắn liền với chiếc xe đạp thồ ấy, tiêu biểu ông Ma Văn Thắng (dân công tỉnh Phú Thọ), chiếc xe đạp thồ do ông gia cố đã lập kỷ lục vận chuyển trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, có chuyến chở 325kg hàng, tức gấp 13 lần một người gồng gánh.
Để biến một chiếc xe đạp thành xe thồ, dân công buộc thêm một đoạn tre nhỏ, dài khoảng 1 mét, gọi là “tay ngai” để điều khiển vào ghi đông. Một đoạn tre cao hơn yên khoảng 50cm để vừa cầm, được buộc vào trục yên xe nhằm vừa giữ thăng bằng vừa đẩy xe đi. Bức điêu khắc của nghệ nhân Bùi Văn Tự chi tiết đến mức khắc hoạ được cả cái “tay gai” đó.
Thế nhưng, điều đặc sắc của tác phẩm điêu khắc ánh sáng 2 trong 1 này ở chỗ, sau khi xoay tác phẩm, bóng đen trên màn chiếu được “di hình hoán ảnh”, biến thành hình tượng 3 chiến sĩ Điên Biên vẫy cao ngọn cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” trên hầm Đờ-các.
Đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng
Theo nghệ nhân Bùi Văn Tự, tác phẩm trên có tên là “Chiến sĩ Điện Biên”, nằm trong bộ sưu tập “Huyền thoại Điện Biên” gồm 3 tác phẩm.
“Tác phẩm thứ 2 là hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, với sự chỉ đạo tài tình đã góp phần tạo nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Tác phẩm thứ 3 là hình ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - bởi Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là chiến thắng của tư tưởng Hồ Chí Minh” - nghệ nhân 9x chia sẻ.
Tiếp tục tham quan không gian trưng bày điêu khắc ánh sáng, nghệ nhân Bùi Văn Tự giới thiệu với chúng tôi tác phẩm mang tên “Tự hào Việt Nam”. Tác phẩm cũng nằm trong cụm chủ đề hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau một vài thao tác, ánh sáng chiếu qua khối điêu khắc phía trước trình chiếu lần lượt các hình ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập; cờ Đảng; Quốc kỳ; Bản đồ Tổ quốc với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Tác phẩm thể hiện ý tưởng: Tư tưởng của Bác Hồ, đường lối của Đảng… chính là ngọn đuốc soi sáng, là yếu tố then chốt dẫn tới Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử” - nghệ nhân Bùi Văn Tự cho biết.
Các tác phẩm về Điện Biên Phủ một phần trong dự án “thắp đèn theo dấu tiền nhân” của nghệ nhân Bùi Văn Tự, tác giả đã lựa chọn nhiều câu chuyện khác nhau để truyền cảm hứng, giới thiệu cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ về bản sắc văn hoá, lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Комментарии