Giao thông luôn là một vấn đề nhức nhối trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là trong những năm gần đây. Bên cạnh những vi phạm giao thông thông thường, một trào lưu mới mẻ nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ đang thu hút sự chú ý của giới trẻ, đó là "hóng chốt giao thông".
Trào lưu nguy hiểm và thiếu ý thức
"Hóng chốt giao thông" là hành động của những người tham gia giao thông bằng cách đứng đợi ở những điểm chốt giao thông và sử dụng các thiết bị ghi hình (thường là điện thoại di động) để quay lại hình ảnh và video của cảnh sát giao thông hoặc người vi phạm để chia sẻ lên mạng xã hội.
Đây là trào lưu xuất hiện trên mạng xã hội, đặc biệt là các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok. Trào lưu này thể hiện qua việc giới trẻ tụ tập tại các địa điểm có chốt kiểm tra giao thông để theo dõi, quay phim, chụp ảnh những vi phạm giao thông và đăng tải lên mạng xã hội.
Mục đích của hành động này thường là để chế nhạo, chỉ trích cảnh sát giao thông hoặc các tình huống vi phạm giao thông. Không chỉ tụ tập, hò reo có phần phản cảm mà giới trẻ còn lập hẳn rất nhiều nhóm chỉ điểm nơi có chốt và chia sẻ cách né chốt.
Thoạt nhìn, "hóng chốt giao thông" có vẻ như là một trào lưu giải trí đơn thuần. Tuy nhiên, ẩn sau vẻ ngoài vui vẻ, hài hước này là những nguy cơ tiềm ẩn và những hệ lụy nghiêm trọng.
Hệ lụy đằng sau
Theo quy định tại Thông tư 67/2019/TT-BCA thì công dân có quyền giám sát cảnh sát giao thông trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhưng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và không gây cản trở công việc của cảnh sát giao thông. Còn hành vi “hóng chốt” của giới trẻ hiện nay lại không phải giám sát mà ngược lại còn đem đến nhiều hệ lụy.
Thứ nhất, làm mất trật tự an ninh xã hội, gây nguy hiểm cho bản thân và người khác. Việc tập trung đông người, chen lấn, xô đẩy để "hóng chốt" có thể dẫn đến tai nạn giao thông, đặc biệt là đối với trẻ em. Hơn nữa, việc mải mê quay phim, chụp ảnh mà không chú ý đến xung quanh cũng có thể khiến người tham gia "hóng chốt" gặp nguy hiểm.
Thứ hai, góp phần lan truyền văn hóa vi phạm giao thông. Thái độ hả hê, cổ vũ cho những vi phạm giao thông trong các video "hóng chốt" có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của giới trẻ về ý thức tham gia giao thông, góp phần lan truyền văn hóa vi phạm giao thông. Khi thấy những người vi phạm giao thông được quay phim, chụp ảnh và đăng tải lên mạng xã hội với thái độ vui vẻ, hả hê, nhiều người trẻ có thể có suy nghĩ rằng vi phạm giao thông không nghiêm trọng và cũng có thể làm theo.
Thứ ba, xâm phạm quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Việc quay phim, chụp ảnh những người vi phạm giao thông và đăng tải lên mạng xã hội mà không được phép có thể vi phạm quyền riêng tư của cá nhân. Nếu vô tình bị llan truyền xa, ảnh hưởng đến cuộc sống của người vi phạm có thể khiến họ cảm thấy phẫn nộ, bức xúc và hoàn toàn có thể bị kiện.
Thứ tư, gây ảnh hưởng tiêu cực và là làm xấu hình ảnh giới trẻ: Hình ảnh giới trẻ tụ tập "hóng chốt giao thông", cổ vũ cho những vi phạm giao thông đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của thế hệ trẻ trong mắt cộng đồng. Thay vì thể hiện sự quan tâm đến an toàn giao thông, giới trẻ lại tham gia vào một trào lưu thiếu ý thức và có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Vấn nạn cần phải loại bỏ
hiếu tá Nguyễn Ngọc Thuật (Tổ trưởng Y11/141, Công an TP. Hà Nội) chia sẻ: “Khi biết các chốt, lực lượng 141 thành lập chốt dừng kiểm tra người và phương tiện thì các bạn đứng xem xung quanh rất là nhiều. Đặc biệt là có nhiều bạn livestream, đưa lên các trang mạng xã hội. Điều này là hành vi vi phạm.”
Đây không đơn giản là một trào lưu vui mà còn là một vấn nạn hết sức nghiêm trọng và cần loại bỏ. Để hạn chế và giảm thiểu văn hóa xem chốt giao thông ở giới trẻ, cần thực hiện một số biện pháp cụ thể và phải có sự đồng lòng phối hợp từ tất cả các bên.
Đầu tiên, cần tăng cường giáo dục ý thức giao thông ngay từ trong trường học, thông qua việc giảng dạy về các quy tắc, hình phạt vi phạm và hậu quả của hành vi không tuân thủ luật. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy việc kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông của giới trẻ, từ đó giúp nhận thức được nâng cao và có trách nhiệm khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, cần khuyến khích thông qua các chương trình, hoạt động tình nguyện giúp nâng cao ý thức của giới trẻ về an toàn giao thông và đề cao tinh thần trách nhiệm trong mỗi hành động. Cuối cùng, bản thân mỗi người cần nâng cao ý thức tham gia giao thông, không lan truyền những thông tin tiêu cực, cổ vũ cho những hành vi vi phạm giao thông.
Tóm lại, chỉ khi mỗi cá nhân và cộng đồng cùng chung tay mới có thể xây dựng được một môi trường giao thông an toàn, văn minh và đẩy lùi trào lưu "hóng chốt giao thông" một cách hiệu quả.
Comments