top of page
Ảnh của tác giảPV

Hình ảnh Việt Nam 100 năm trước qua lăng kính nhiếp ảnh gia Ukraine

Nhân kỷ niệm 32 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ukraine, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm "Sofia Yablonska - Hành trình xuyên thế kỷ".


Triển lãm giới thiệu 55 tư liệu, hình ảnh được ghi lại thông qua lăng kính của Sofia Yablonska, nữ nhà văn, nhiếp ảnh gia và quay phim người Ukraine. Triển lãm đưa công chúng đến với một hành trình ngược dòng quá khứ, tìm hiểu về những khoảnh khắc cuộc sống, phong cảnh và con người Việt Nam trong giai đoạn 1930-1940, mang tới những hiểu biết và cảm xúc sâu sắc về một thời kỳ lịch sử cách đây gần một thế kỷ.


Phong cảnh thiên nhiên Việt Nam qua ống kính nhiếp ảnh gia Sofia Yablonska (Ảnh: VOV)

Những bức ảnh dẫn dắt công chúng theo chân Sofia Yablonska trong hành trình khám phá vùng đất Việt Nam, nơi bà và gia đình đã dành tình cảm sâu sắc trong 10 năm sinh sống. Chúng ta dễ dàng bắt gặp khung cảnh về cuộc sống nông thôn với những cánh đồng trải dài tít tắp và con người cần cù lao động; danh thắng Vịnh Hạ Long với sự hoang sơ, kỳ vĩ; hay vừa lạ vừa quen với không gian của Hoàng Thành Thăng Long, Cầu Long Biên, Hồ Hoàn Kiếm... Sự đa dạng văn hóa các dân tộc cũng được Sofia Yablonska ghi lại qua vẻ đẹp của phụ nữ Thái, Mông, Dao Tiền và người Hà Nội xưa...


Vẻ đẹp của người phụ nữ Dao. (Ảnh: BTC)

Bên cạnh những bức hình đen trắng, triển lãm còn khám phá chiều sâu cảm xúc của tác giả Sophia Yablonska với cảnh vật và con người Việt Nam qua những dòng chia sẻ trích từ cuốn nhật ký “Phương trời xa xôi" được bà ghi lại trong thời gian trải nghiệm nơi đây. Việt Nam hiện lên trong Sophia như một xứ sở diệu kỳ, đầy lôi cuốn để khám phá. "Một vùng đất lạ! Có quá nhiều vẻ đẹp không thể tiếp cận, bị cấm đoán trong đó!.."; "Vài ngày sau, tôi rời vùng núi đó và đến thăm hai dân tộc Mèo và Mảng. Họ có ngôn ngữ, trang phục và phong tục khá khác biệt và thú vị so với cư dân vùng đồng bằng... Sống cùng họ, tôi có mọi thứ theo ý mình. Người Mèo mang gạo, cá, thịt thú rừng và rau đến nhà tôi, đến giúp tôi làm việc, mang ngựa đóng yên và chỉ cho tôi đường đi qua những ngọn núi hoang sơ kỳ thú"...


Tham dự triển lãm, ngài Oleksandr Gaman, Đại sứ Ukraine tại Việt Nam cho biết, ông vô cùng xúc động trước nỗ lực giới thiệu hành trình đáng chú ý của người phụ nữ Ukraine can đảm và nổi tiếng. "Đây cũng là minh chứng cho tình hữu nghị bền chặt giữa hai quốc gia khi chúng ta kỷ niệm 32 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, thật phù hợp khi chúng ta cùng nhau đánh giá cao và tôn vinh mối quan hệ văn hóa đã gắn bó chúng ta trong hơn ba thập kỷ qua. Những bức ảnh do Sofia chụp mà các bạn xem hôm nay là bằng chứng thuyết phục cho điều này".


Ngài Oleksandr Gaman, Đại sứ Ukraine tại Việt Nam (Ảnh: VOV)

Bà Nguyễn Thị Tuyết- Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ cho biết, Sofia với góc nhìn tinh tế và trân trọng, mỗi nơi bà đặt chân đến trên đất nước Việt Nam từ những năm 1930-1940 đều vô cùng ấn tượng. Những hình ảnh sinh động về phong cảnh Việt Nam ở các vùng quê, gắn với cuộc sống đời thường bình dị của người dân, đặc biệt ở các vùng xa xôi nơi dân tộc Dao, Thái, Mông, Khơ-me cư trú đã càng cho chúng ta thấy sự thân thiện, mến khách cùng nền văn hóa đa dạng sắc màu đã làm nên nét quyến rũ của Việt Nam. "Triển lãm khiến chúng ta càng thêm tự hào về mảnh đất và con người Việt Nam, nơi đã níu giữ tâm hồn và tình cảm của rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài, trong đó có tác giả Sofia Yablonska".


Cũng theo bà Nguyễn Thị Tuyết, những hình ảnh đã cho thấy nhiếp ảnh gia là một người phụ nữ với nghị lực phi thường, với trái tim nhân văn cùng tâm hồn nhạy cảm. "Điều này làm tôi nhớ đến những nữ nghệ sĩ Việt Nam cùng với tài năng và tình yêu quê hương đất nước đã ca ngợi con người và mảnh đất này theo những cách riêng đặc biệt như các nữ thi sĩ: Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan, Sương Nguyệt Ánh, Xuân Quỳnh...".


Triển lãm "Sofia Yablonska - Hành trình xuyên thế kỷ" diễn ra từ ngày 18 đến hết ngày 30/4 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.







2 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Commenti


Tiêu điểm

bottom of page