Cho đến nay hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu Việt vẫn luôn mới và đầy thử thách với người sáng tạo. Nhiều tác phẩm như vở tuồng “Không còn đường nào khác”, cải lương “Nợ nước non”, nhạc kịch “Người cầm lái”, kịch nói “Đêm trắng”, “Lá đơn thứ 72”... đã tái hiện chân dung, hình tượng lãnh tụ trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, đến nay vẫn hấp dẫn cả người sáng tạo lẫn người xem.
Vẫn nóng bỏng tính thời sự
Trong số nhiều vở diễn về Bác, có hai vở diễn được đánh giá có nhiều sáng tạo về hình tượng Bác Hồ và rất hấp dẫn khán giả nhờ tính thời sự, đó là “Đêm trắng” của nhà viết kịch Lưu Quang Hà và “Lá đơn thứ 72” của nhà viết kịch Hoàng Thanh Du.
Vở kịch “Lá đơn thứ 72” dựa trên câu chuyện có thật, một vụ án oan được Bác Hồ chỉ đạo điều tra lại. Vở kịch với nhiều lớp, nhiều câu chuyện nhỏ về số phận nhân vật, qua đó khắc họa chân thực hình ảnh Người luôn hết lòng vì nước, vì dân, quan tâm đến những người yếu thế nhất. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nỗi oan trái của một con người là sự thất bại của nền công lý một đất nước. Trong lúc đất nước đang trải qua những năm tháng cam go của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Người dù bận trăm công nghìn việc, vì sự thống nhất và độc lập dân tộc, nhưng vẫn không coi số phận của một con người là việc nhỏ.
Vở kịch “Lá đơn thứ 72” đã được công diễn ở Thủ đô Hà Nội với hàng trăm suất diễn và tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và lưu diễn ở cả nước bạn Lào. “Hình tượng Hồ Chủ tịch trong những năm 1965 - 1966, với những chi tiết, lời nói để đời, cũng là một cách giáo dục mọi người noi theo tấm gương của Bác, đặc biệt khi chúng ta đang phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chúng tôi mong muốn những bài học giản dị ấy được lan tỏa xa hơn, sâu hơn nữa” - NSND Lệ Ngọc nói.
Vở kịch “Đêm trắng” của Nhà hát kịch Việt Nam cũng được giới chuyên môn đánh giá cao khi tiếp cận đề tài chống tham nhũng. Vở kịch phỏng theo một câu chuyện có thật, đó là vụ đại án tham nhũng đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1950. Trong “Đêm trắng”, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên với những trăn trở, cân nhắc để đưa ra quyết định bác đơn xin tha tội chết cho viên đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu. Quyết định ấy của Người không đơn giản, đó còn là sự đấu tranh nội tâm, sự khổ tâm khi phải hạ bút y án tử hình người mà chính Người đã từng tin tưởng, đề bạt. Nhưng Người đã dứt khoát, phải loại bỏ một phần tử tha hóa, biến chất để làm trong sạch tổ chức, củng cố niềm tin của quần chúng.
Tác phẩm “Đêm trắng” từng giành Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990. Nhiều năm sau đó, vở kịch này đã được phục dựng một vài lần và đều thu hút được sự quan tâm của khán giả.
Thách thức với ê kíp sáng tạo
Có thể nói, bên cạnh việc tìm ra ngôn ngữ thể hiện mới mẻ, xây dựng tình huống kịch hấp dẫn thì để khắc họa chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh thực sự là một thách thức không nhỏ với bất cứ ê kíp sáng tạo nào.
Ở vở “Lá đơn thứ 72”, NSND Vương Duy Biên - người thiết kế sân khấu và NSND Lê Tiến Thọ - đạo diễn, đã tạo nên sự mới mẻ thông qua thủ pháp ước lệ trên sân khấu, với vài tấm pano di chuyển trên sân khấu, khi là nhà tù, khi là trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hay lúc trong bệnh viện... Tấm pano cũng trở thành bức tường rào đấu tranh giữa hai tuyến nhân vật, tạo nên sự căng thẳng đầy kịch tính.
“Chúng tôi nỗ lực sáng tạo, vươn tới những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao để tôn vinh người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới” - NSND Lê Tiến Thọ nói. NSND Lệ Ngọc cũng tâm niệm: “Đây là vở diễn hết sức ý nghĩa và chúng tôi đã cố gắng xây dựng một tác phẩm màu sắc, đậm tính nhân văn”.
Diễn viên Nguyễn Minh Hải, người đã hơn 10 năm được đảm nhận vai Bác Hồ trong nhiều vở diễn và cũng đóng vai Bác trong vở “Đêm trắng” kể: “Hơn mười năm được lựa chọn thể hiện hình tượng vị lãnh tụ Hồ Chí Minh với tôi là niềm vinh hạnh. Mỗi một kịch bản là một cảm xúc mới. Mỗi một chương trình là một giai đoạn, một thời. Nhưng mỗi lần nhận kịch bản lại một sáng tạo mới dựa trên phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để tạo được những hình tượng đẹp về Bác Hồ phải lao động nghệ thuật ngày đêm”.
Còn với diễn viên Văn Hải, người đóng vai Bác Hồ trong vở kịch “Lá đơn thứ 72”, có lẽ, lòng kính yêu Bác Hồ đã tiếp thêm cho anh nguồn năng lượng tích cực và sự tự tin. Với anh, thể hiện đúng tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều quan trọng, từng câu nói lúc trìu mến, thân thiện, lúc nghiêm khắc... thể hiện trí tuệ, tấm lòng cao cả của Người. “Tôi cũng vất vả khi thể hiện vai Bác Hồ nhưng có lẽ từ thuở bé, tôi đã được “thấm” hình ảnh, nhân cách của Người nên tôi không cần phải tập nhiều lần” - nghệ sĩ Văn Hải chia sẻ.
Những tác phẩm chính kịch, đề cập câu chuyện chống tham nhũng, những vụ án oan sai đều là những đề tài nóng. Mặc dù là những câu chuyện đã qua nhưng với cách kể hiện đại, lối diễn hiện đại, hai tác phẩm chính kịch “Đêm trắng” và “Lá đơn thứ 72” đã được các nhà chuyên môn và công chúng đánh giá rất tốt.
Sân khấu nói chung và sân khấu kịch nói riêng vẫn đang trông chờ những tác phẩm hay, hấp dẫn về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương của một con người nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết mực vì con người, trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
Comments