top of page

Cầu Long Biên chứng nhân lịch sử vĩ đại của Hà Nội

Hà Nội những năm 1902 - 1945 đã được chọn là thủ phủ của Liên bang Đông Dương vốn được hình thành từ năm 1887. Đến năm 1897, ngay cả ở Hà Nội, hệ thống giao thông vận tải ở Đông Pháp còn rất hạn hẹp, dân chúng và hàng hóa qua lại chủ yếu theo đường thủy. Với kỳ vọng nâng cấp hệ thống giao thông ở Bắc kỳ thế kỷ 19, các viên Toàn quyền người Pháp ở Đông Dương đã đặt những nền móng đầu tiên cho hệ thống đường sắt Bắc - Nam ở xứ sở này.


Ủy ban kỹ thuật đầu tiên về đường sắt ở Bắc kỳ được Tổng trú sứ Trung - Bắc kỳ là Paul Bert thành lập năm 1887. Để so sánh, ở Nam kỳ, tuyến đường sắt 71km Sài Gòn - Mỹ Tho đã đi vào phục vụ hành khách từ năm 1885; ở Bắc kỳ, một tuyến đường sắt nối Phủ Lạng Thương với Lạng Sơn được khởi công năm 1889 nhằm đáp ứng những đòi hỏi về vận tải và cung ứng hàng hóa cho quân đội tại vùng biên phía Bắc với Trung Quốc. Toàn quyền Đông Dương Jean-Marie De Lanessan (nhiệm kỳ 1891 - 1894) đã khánh thành tuyến đường sắt này năm 1894.


Cầu Long Biên. Ảnh: Alexandre Garel

Dựa trên kết quả khảo sát về các nguồn năng lực và địa hình của miền đất xinh đẹp này, Paul Doumer, nguyên Bộ trưởng Tài chính của Chính phủ Pháp khi nhậm chức Toàn quyền Đông Dương (nhiệm kỳ 1897 - 1902) đã đưa ra đề án đầy tham vọng: Thiết lập 3.200km đường sắt. Ở Hà Nội, dòng sông Hồng là một điểm đến quan trọng trong đề án này. Dòng sông Hồng chảy qua Hà Nội - nơi rộng đạt tới hơn 1,5km, chỗ sâu tới 20m, mùa khô và mùa mưa lượng nước chênh lệch tới 10m, dòng chảy mạnh, nước xiết, doi cát khắp nơi.


Từ năm 1893, thuyền buôn và phà chạy hơi nước đã được sử dụng nhưng không hiệu quả. Việc xây dựng các bờ kè kiên cố kéo dài hàng năm trời, người ta phải đi trong bùn lầy là chính. Có thể nói, việc qua sông Hồng và việc cập bến cho hàng hóa không hề đơn giản vào thời ấy. Nhu cầu cần thiết đặt ra để nối hai bờ sông Hồng là dựng một cây cầu, cầu rất lớn ở thời ấy. Đề án được kiến tạo, thực hiện trong sự khó tin, thậm chí không tin của rất nhiều người.


Cầu Long Biên mang nét kiến trúc đậm chất châu Âu. Ảnh: @murilo_andes

Toàn quyền Doumer đã viết trong hồi ký L’Indo-Chine franaise, souvenirs (Đông Dương thuộc Pháp, những kỷ niệm) của mình rằng: Trong số những người Pháp tham dự lễ khởi công, từ Thống chế Bichot, Đô đốc Beaumont, tới người lính trơn, từ kỹ sư trưởng của nhiều công trình cầu cống tới những người giám sát công trình, nhiều người không tin một cái gì đó vĩ đại như vậy có thể thực hiện. Người Việt thì lại càng không, khi Doumer nói rằng những hàng cờ cắm đằng xa là vị trí các trụ của cây cầu trong tương lai, quan chức Đại Nam tin chắc rằng sẽ chỉ là một sợi dây cáp để dẫn đường cho tàu thuyền vào ra.


Năm 1897, cuộc đấu thầu xây dựng cây cầu ấy được diễn ra. Công ty Daydé & Pillé đã chiến thắng trước 6 đối thủ lớn khác ở Pháp về kiến trúc. Mặc dù giá bỏ thầu có cao hơn chút ít so với mặt bằng, song đề án của họ được đánh giá có tính sáng tạo và trang nhã hơn cả. Theo thiết kế, cây cầu dài tổng cộng 2.500m, 19 nhịp, 2 mố biên, 18 trụ cầu đóng sâu 30m xuống mực nước thấp nhất. Chi phí dự tính gần 6 triệu quan đương thời.


Hình ảnh cầu Long Biên năm 2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Tháng 9 năm 1898, cuối mùa mưa, Toàn quyền Paul Doumer đặt viên đá đầu tiên khởi công. 15.000 tấn vật liệu và 7.000 tấn sắt thép được đưa từ Pháp sang. Dưới sự chỉ huy của khoảng 40 kỹ sư và chỉ huy công trình người Pháp, 3.000 công nhân Việt Nam đã trầm mình xây dựng công trình này.


Dự tính kéo dài 5 năm, công trình đã hoàn thành trong chưa đầy 4 năm. Cây cầu Paul Doumer gồm có một đường ray trung tâm dành cho tàu hỏa, và hai đường bên lát gỗ dành cho người đi bộ và xe đạp. Ở thời điểm đó, cầu Paul Doumer được coi là một trong bốn cây cầu lớn nhất trên thế giới. Chắc chắn đây là cây cầu lớn nhất mà nước Pháp chưa từng xây dựng trên lãnh thổ mình và trong các xứ thuộc địa của mình.


Ngày 2.2.1902, cầu Paul Doumer được khánh thành với sự hiện diện của Hoàng đế vương quốc Đại Nam là Thành Thái từ Huế ra, và Toàn quyền đương nhiệm người Pháp ở Đông Dương là Paul Doumer, Toàn quyền của Pháp ở Bắc Kinh là Paul Beau (người kế nhiệm Paul Doumer ngay trong năm ấy) và những nhân vật hàng đầu về dân sự và quân sự. Để mời được Đức vua Thành Thái ra Hà Nội, trước đó Paul Doumer đã tới Huế xin yết kiến. Vua Thành Thái đã ban một Thượng dụ cuối năm 1901 về việc này.


Buổi chiều hoàng hôn tại cầu Long Biên. Ảnh: sưu tầm

Một phiên bản của Thượng dụ này hiện được bảo quản trong Lưu trữ hải ngoại Pháp, nội dung cho biết: “... Hôm qua Quý Toàn quyền đại thần tới Kinh đô tâu rằng: tháng Giêng năm sau, đường xe lửa trên cầu sắt Nhĩ Hà ở tỉnh Hà Nội khánh thành, mời Hoàng đế Ngự giá thưởng lãm để sự kiện được trọng thể. Trẫm nghĩ thời vận ngày thêm rộng mở, trong triều ngoài nội yên ả thanh bình, một chuyến tuần hành cũng là nên. Trẫm đã nhận lời, đồng thời kính cẩn tâu lên Hai cung để được tỏ việc đồng lòng cho phép”.


Ngày 28.2.1902, cầu được mở cửa cho toàn dân. Đường đi Hải Phòng nhờ đó cũng thông suốt, giúp định hình tuyến đường sắt Bắc - Nam. Tháng 10 năm ấy, Paul Doumer kết thúc nhiệm kỳ, trở về Pháp và vị trí Tổng thống Cộng hòa Pháp chờ ông gần 30 năm sau đó.


Cầu Doumer được mở rộng, gia cố và khánh thành lần thứ hai ngày 23.4.1924 do chỉ đạo của Toàn quyền người Pháp là Martial Merlin. Hai làn đường hai bên vốn rộng 1,3m được chuyển đổi thành mặt đường rộng 2,2m cộng với vỉa hè rộng 1m, đều được lát bằng gỗ dày 4cm. 500.000 đinh tán và 2.400 tấn kim loại được bổ sung để gia cố vào cấu trúc ban đầu của cầu. Công ty Daydé một lần nữa đảm nhiệm công trình, thậm chí tàu qua lại không phải dừng đỗ trong khi việc thi công vẫn diễn ra.


Chiêm ngưỡng khung cảnh thơ mộng gần cầu Long Biên. Ảnh: sưu tầm

Rồi các cuộc binh hỏa liên tiếp diễn ra. Trong thế chiến thứ Hai, quân đội Nhật Bản chiếm Đông Dương từ tháng 9 năm 1940. Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp và đặt dấu chấm hết cho Đế chế Pháp ở Đông Dương. Ngày 20.7 cùng năm, người Nhật bổ nhiệm thị trưởng người Việt đầu tiên của Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai. Cùng với một số thay đổi cho Hà Nội, vị thị trưởng đã cho đổi tên cầu Paul Doumer thành cầu Long Biên, tên của quận nằm ở tả ngạn sông Hồng.


Rất nhiều sự kiện lịch sử đã diễn ra trên cây cầu này, nhiều như nước sông Hồng chảy dưới chân cầu. Song con người không quên lịch sử, và cây cầu chứng tích cho mối liên hệ Việt - Pháp trải hơn một trăm năm vẫn đang vững chân. Tuyến đường sắt Bắc - Nam, điểm khởi hành từ Hà Nội với cây cầu Long Biên không chỉ là một ký ức.


Thế kỷ 21, có người Pháp tới Việt Nam đã viết: Với một hành trình 33 tiếng đồng hồ trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, trên những dấu tích công nghệ từ thời thuộc Pháp, Việt Nam từ lâu đã tiến gần với thời hiện đại mặc cho bao nhiêu niềm hoài cổ.


Ảnh: @musta_c

Trong tiến trình hiện đại này, cầu Long Biên được kỳ vọng lớn hơn một cây cầu, sẽ không chỉ là một di sản rêu phong. Cầu Long Biên sẽ là một trong những di sản truyền cảm hứng sáng tạo, truyền niềm tin kiến thiết, truyền sức mạnh thực hành, kết nối nhiều đối tác thâm tình và hiệu quả.



1 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentários


Tiêu điểm

bottom of page