Thời gian gần đây, thực trạng mạt sát, kỳ thị vùng, miền, địa phương xuất hiện tràn lan trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Trở thành một ‘căn bệnh” lây lan nhanh với mức độ đáng báo động.
Vấn nạn nhức nhối
Trong thời đại kỹ thuật số 4.0 hiện nay, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Vốn dĩ đây là nơi kết nối con người, chia sẻ thông tin và lan tỏa những điều tích cực, thế nhưng thời gian gần đây, nó lại trở thành "mảnh đất" màu mỡ cho "căn bệnh" phân biệt vùng miền. Nỗi nhức nhối này ngày càng gia tăng, len lỏi vào từng ngóc ngách của thế giới ảo, để lại những hậu quả khó lường.
Mới đầu chỉ đơn giản là việc đặt biệt danh cho các tỉnh vùng miền khác nhau thì giờ đây nó thể trở nên tiêu cực và độc hại, khi người ta sử dụng sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ hoặc quan điểm để gây rối, kỳ thị hoặc châm biếm người khác. Một trong những biểu hiện phổ biến nhất của phân biệt vùng miền trên mạng xã hội là qua ngôn ngữ và từ ngữ. Người ta thường sử dụng từ ngữ mang tính chất nhạo báng hoặc khinh thường để miêu tả người từ các vùng miền khác, tạo ra sự cách biệt và thậm chí là sự căm ghét giữa các nhóm.
Không khó để bắt gặp những từ như “Parky cay à”, “Parky con”, “Namkiki” đầy rẫy trên Facebook, Tiktok,... Ở bất cứ bài đăng nào trên mạng xã hội, từ những nội dung bày tỏ quan điểm hay lối sống khác biệt, hay chỉ đơn giản là nội dung về đời sống hằng ngày cũng có thể trở thành nơi diễn ra những cuộc tranh cãi về vấn đề vùng miền.
“Thật sự mình cảm thấy rất bức xúc mỗi khi lướt thấy comment phân biệt vùng miền trên mạng xã hội. Nhất là những comment về việc người Thanh Hóa bọn mình ngày càng tràn lan trên tiktok” - Bạn Đ.C.T (21 tuổi, hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội) chia sẻ.
Chung cảnh, bạn L.T.V (19 tuổi, hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội) phải ẩn hết các video trên nền tảng tiktok vì bị phân biệt: “Namkiki, đấy là từ ngữ mà nhiều người gọi mình mỗi khi tranh luận một vấn đề gì đó và họ không đáp trả được”.
Đâu là lý do?
Số lượng các vụ việc liên quan đến phân biệt vùng miền trên mạng xã hội đang ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự và hình ảnh đất nước. Tuy nhiên đâu là nguyên nhân dẫn đến vụ việc này?
Được biết, nó bắt nguồn từ những video trên tiktok nói về sự khác biệt, so sánh môi trường sống và làm việc giữa hai miền Nam và Bắc. Nội dung các video trở thành một nơi bàn luận và khi không đạt được mục đích tranh luận, nó trở thành ngọn lửa châm ngòi cho vấn nạn này.
Phân biệt vùng miền như một “căn bệnh truyền nhiễm”, lây lan một cách nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, thể hiện rõ ở các bạn trẻ. Nó dường như trở thành một trào lưu được một bộ phận các bạn trẻ săn đón, học theo, thành câu cửa miệng mỗi khi bình luận.
Cùng với suy nghĩ mạng xã hội là môi trường ẩn danh, dễ dàng che giấu danh tính cá nhân, nhiều người đã đưa ra những lời nói, hành động thiếu suy nghĩ, thiếu trách nhiệm. Chính vì thế, họ càng thoải mái thể hiện sự phân biệt vùng miền một cách táo bạo, trắng trợn mà không màng hậu quả.
Không những vậy, đây cũng là một hình thức chống phá nhà nước của các thế lực thù địch. Lợi dụng sức nóng của nền tảng mạng xã hội, dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực, sai lệch của giới trẻ, các thế lực chống phá liên tục spam những cụm từ phân biệt vùng miền nhằm âm mưu gây chia rẽ đoàn kết cộng đồng, dân tộc.
“Căn bệnh” cần được dọn dẹp
Đây là một “căn bệnh” nguy hiểm cần được đẩy lùi và xóa bỏ ngay lập tức, nếu không sẽ có những ảnh rất xấu và nguy hại đến đất nước. Để giải quyết vấn đề phân biệt vùng miền trên mạng xã hội, cần có sự hợp tác từ cả cộng đồng người dùng và các nền tảng.
Trước hết, các nền tảng mạng xã hội cần phải có những chính sách nghiêm ngặt để ngăn chặn sự phân biệt vùng miền. Điều này có thể bao gồm việc kiểm duyệt nội dung, áp dụng các quy định về ngôn từ kích động và khủng bố tinh thần, cũng như tăng cường sự giám sát và phản ứng nhanh chóng đối với các hành vi phân biệt.
Tiếp đến, người dùng cần ý thức được trách nhiệm của bản thân, sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, có trách nhiệm. Nâng cao nhận thức của bản thân, tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc và chống phá nhà nước. Chúng ta cần tạo ra không gian cho các cuộc trò chuyện cởi mở và xây dựng, nơi mọi người có thể chia sẻ quan điểm mà không sợ bị phê phán hay bị đe dọa.
Cuối cùng, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về hành vi phân biệt vùng miền, đồng thời quy định mức xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về phòng chống phân biệt đối xử.
Tóm lại, phân biệt vùng miền trên mạng xã hội là một vấn đề đáng lưu ý. Phòng ngừa phân biệt vùng miền là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng cần chung tay góp sức để xây dựng một môi trường sống hòa nhập, cởi mở, nơi mỗi người đều được đối xử bình đẳng, tôn trọng và có cơ hội phát triển.
Comments