Người phụ nữ ở bất cứ thời đại nào, dân tộc hay quốc gia nào cũng đều giữ vai trò trọng yếu trong việc giữ gìn, sáng tạo những văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Tại Hà Nội, có một bảo tàng thể hiện được đầy đủ vai trò yếu tố của người phụ nữ xưa và nay, đó chính là Bảo Tàng Phụ Nữ Việt Nam.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội là một điểm đến có rất nhiều giá trị lịch sử cũng như cách trưng bày nhiều điểm nhấn ấn tượng. Hành trình tìm hiểu Bảo tàng sẽ mang đến cơ hội tìm hiểu về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt cũng như chiêm nghiệm về vai trò của “Phái đẹp nhưng không hề yếu mềm”.
1. Bảo Tàng Phụ Nữ Việt Nam có từ bao giờ?
Được thành lập vào năm 1987, Bảo tàng thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Định, nguyên chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính là người đặt nền móng cho sự ra đời của Bảo tàng. Tại đây lưu giữ những kỷ vật, tài liệu, chứng tích quan trọng của người phụ nữ xưa và nay. Công trình này được xem như lời hứa với phụ nữ Việt Nam của bà Nguyễn Thị Định. Bảo tàng nằm ở trung tâm thủ đô, tọa lạc tại số 36 phố Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây cũng là con phố đẹp, cổ kính với rất nhiều công trình kiến trúc cổ kính kiểu Pháp.
Bảo tàng được khởi công xây dựng năm 1991. Tới năm 1995, Bảo tàng chính thức đón khách tham quan. Đến cuối năm 2010, với một diện mạo mới mẻ là hệ thống trưng bày thường xuyên, Bảo tàng được mở cửa trở lại. 3 chủ đề xuyên suốt tại Bảo tàng gồm: Phụ nữ trong Gia đình, Phụ nữ trong Lịch sử, Thời trang phụ nữ và cuối cùng là chuyên đề: Trưng bày Tín ngưỡng thờ Mẫu gồm có 4 nội dung: Mẫu, Tâm, Đẹp, Vui.
Bảo tàng cũng đã phát triển các bộ sưu tập với khoảng 40.000 tài liệu, hiện vật liên quan đến phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh hệ thống trưng bày thường xuyên, Bảo tàng còn tổ chức nhiều cuộc trưng bày chuyên đề với những phương pháp tiếp cận mới, phản ánh đầy đủ sự phát triển và thay đổi của xã hội đương đại với các dự án hướng tới nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là nhóm phụ nữ và trẻ em.
2. Không gian trưng bày câu chuyện về người Phụ nữ trong gia đình
Tại không gian này là câu chuyện về người phụ nữ từ khi bước vào cuộc sống hôn nhân cho đến thực hiện thiên chức làm mẹ và cuối cùng là một người vợ biết tổ chức cuộc sống gia đình của các dân tộc khác nhau. Các giá trị truyền thống được tái hiện qua các tập tục, nghi lễ, trí thức và kinh nghiệm dân gian trong hôn nhân. Sinh đẻ và chăm lo cuộc sống gia đình cũng được thể hiện rõ nét.
Các nghi lễ cưới truyền thống của các dân tộc Việt Nam trong các xã hội mẫu hệ và phụ hệ được tái hiện thông qua tranh ảnh, trình chiếu. Hình ảnh minh họa cho các nghi lễ bao gồm các đồ vật như lễ vật đính hôn, trang phục cưới, thiệp cưới. Cuối cùng là những trang thiết bị trong cuộc sống hàng ngày và thiết bị trong quá khứ được trưng bày tại đây, cho thấy tầm quan trọng của người phụ nữ trong gia đình.
Đi bộ về cánh cửa phía tây của không gian gia đình là một triển lãm trưng bày về tín ngưỡng thờ Mẫu với một không gian huyền bí và chân thực. Nét đẹp truyền thống này được thể hiện ở 3 điều: Tâm trong sáng - Sắc đẹp - Niềm vui.
Bảo tàng cũng trưng bày tái hiện các tín ngưỡng tâm linh rực rỡ của đạo Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng đã được UNESCO đưa vào danh sách là một trong những di sản văn hóa phi vật thể cần bảo tồn.
3. Câu chuyện về người phụ nữ trong lịch sử
Không gian tầng 3 của Bảo tàng là nơi trưng bày những hình ảnh dũng cảm của người phụ nữ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những người phụ nữ trong lịch sử đã hi sinh thân mình tham gia và làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.
Tại đây cũng trưng bày rất nhiều chân dung của các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trên tường là rất nhiều tấm áp phích, tranh ảnh tuyên truyền về các cuộc chiến tranh. Ngoài ra có một góc nhỏ trưng bày nói về hình ảnh những người phụ nữ thời hiện đại. Không gian trưng bày không chỉ tập trung giới thiệu vai trò của các thế hệ phụ nữ mà còn đề cập đến mọi mặt cuộc sống đời thường của người phụ nữ trong thời kì kháng chiến. Rất nhiều những câu chuyện về cuộc đời, nhưng sự đóng góp, sự hi sinh mất mát của họ cho độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện nay với những phẩm chất nhân hậu, nghị lực, bản lĩnh và cũng đầy sự nhiệt huyết được thể hiện qua các bộ phim ngắn.
4. Thời trang nữ
Tất cả các loại trang phục đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam được trưng bày tại tầng 4 của Bảo tàng. Dựa vào kiểu tóc, trang phục của họ, bạn có thể biết được họ đã kết hôn hay chưa. Mình thực sự rất ngạc nhiên bởi nghệ thuật trang điểm, làm đồ trang sức bạc hay kỹ thuật dệt vải tinh xảo.
Tại đây còn trưng bày nhiều kiểu dáng áo dài trong các thời kỳ khác nhau từ lịch sử tới hiện đại và tục nhuộm răng đen - Một phong tục truyền thống thời xưa của phụ nữ Việt Nam. Ngoài ra còn có một khu vực để các bạn có thể thử quấn khăn theo kiểu truyền thống.
Comments